Loay hoay tìm cây trồng chủ lực

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều địa phương đã có những sản phẩm từ trồng trọt tạo được tiếng vang và khẳng định thương hiệu như cây dứa ở Đại Lộc, tiêu Tiên Phước, dưa hấu Phú Ninh hay rau Trà Quế ở Hội An.
Tại Điện Bàn, cơ cấu các cây trồng trong nhóm ngành trồng trọt rất đa dạng và nhiều loại cây chiếm diện tích khá lớn nhưng vẫn không tạo được sức bật và sự ổn định để xây dựng thương hiệu và giúp nông dân yên tâm gắn bó.
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2015 ở Điện Bàn là hơn 11.670ha, ngoại trừ lúa, nhiều loại cây khác có diện tích lớn như đậu phụng (1.290ha), cải các loại (707ha), ớt (337ha), đậu côve (293ha) hay dưa hấu (180ha).
Diện tích và sản lượng thu được lớn là vậy nhưng người dân vẫn khó khăn khi sản phẩm mình làm ra luôn bấp bênh về giá cả và chưa tạo được tiếng vang trên thị trường.
Đơn cử như cây ớt, sau khi "méo mặt" vì trồng ớt Trung Quốc đầy đồng nhưng không bán được và để khô héo thì người dân tại các xã ở vùng Gò Nổi chuyển sang trồng cây ớt Hàn Quốc và thu được lợi lớn ở vụ đông xuân 2014.
Nhưng sang đến năm nay cây ớt Hàn Quốc lại tiếp tục rơi vào thảm cảnh được mùa rớt giá.
Chị Nguyễn Thị Tám (thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung) cho biết:
"Vụ vừa rồi, thỉnh thoảng có một vài xe tải vào mua ớt thì nhiều nhà đổ xô thu hoạch để bán, còn lại đầu ra không ổn định khiến tôi và một số gia đình khác cảm thấy bất an nhưng cũng đành phải trồng bởi ớt đã gắn bó với nơi đây từ rất lâu rồi".
Cây ớt chưa đem lại hiệu quả và thu nhập kỳ vọng cho người dân.
Vài năm trở lại đây, nếu thời tiết ổn định, được mùa và được giá thì 1ha ớt cũng chỉ thu nhập được hơn 20 triệu đồng nên việc gắn bó và sống được với loại cây này cũng hết sức bấp bênh.
Còn với dưa hấu, nông dân chưa hết lo lũ trái mùa cuốn trôi thì lại thấp thỏm vì sản phẩm làm ra hầu như năm nào cũng bị thương lái ép giá.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp mặc dù kinh doanh có lãi nhưng chưa thể hiện được vai trò "bà đỡ" của kinh tế hộ.
Doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ đầu vào cho trồng trọt thì rất nhiều nhưng doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản lại quá ít.
Ông Lê Văn Ngọ - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết
: "Nhiều năm qua, Điện Bàn luôn cố gắng nắm bắt, đón đầu nghiên cứu những cây trồng có giá trị, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương để áp dụng cho nông dân, thế nhưng việc không tìm được đầu ra ổn định và chất lượng nông sản cũng chưa thật vượt trội khiến Điện Bàn chưa có được một loại cây trồng tạo được thương hiệu trên thị trường".
Cách đây khoảng một thập kỷ, cây bông vải và thuốc lá cũng từng tạo "cơn sốt" trên địa bàn huyện lúc bấy giờ khi rất nhiều người dân bỏ trồng lúa để chuyển sang các loại cây này.
Diện tích trồng bông có lúc lên đến gần 800ha, còn cây thuốc lá có diện tích khoảng 300ha.
Sau thành công bước đầu từ việc trồng bông, người dân đã hồ hởi ồ ạt tăng diện tích quá mức cộng với việc trồng trên các vùng đất không phù hợp, thiếu nước tưới nên cây bông đạt năng suất kém.
Còn với cây thuốc lá, từ khi kho chứa nguyên liệu thuốc lá của một công ty đặt tại xã Điện Thắng đóng cửa thì cây thuốc lá cũng lui về dĩ vãng.
Trong bối cảnh quỹ đất sản xuất nông nghiệp có hạn và thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa thì việc đi tìm cho Điện Bàn những cây trồng phù hợp và đạt hiệu quả cao là một giải pháp quan trọng, cần thiết để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Những cơn mưa trái mùa liên tục đổ xuống đúng thời điểm ĐBSCL thu hoạch rộ lúa ĐX, nông dân phải chạy đôn chạy đáo tìm thợ gặt vì không thể cắt bằng máy.

Kết quả các mẫu nước cho thấy, độ mặn tại vùng nuôi dao động trong khoảng 32-34‰, trong ngưỡng cho phép đối với nước nuôi trồng thủy sản. Riêng mẫu nước gần bờ thu tại Vũng Mắm có độ mặn thấp hơn so với các mẫu khác, chỉ 27‰

Chính phủ Hà Lan và các nhà tài trợ nước này vừa ký kết với Bộ NN-PTNT “Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN” trị giá gần 1,4 triệu EURO. Đây là dự án tài trợ lớn, tạo cú hích cho ngành cao cao VN phát triển.

Phân bón từ lục bình dễ làm và thường được áp dụng ở quy mô hộ gia đình. Loại phân bón này không những tốt cho cây trồng, dễ làm mà còn giúp giảm lượng phân hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất

Năm 2011, Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư đã xây dựng mô hình ương cua khay thí điểm ở xã Hương Phong (Hương Trà) và Quảng Phước (Quảng Điền), tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.