Lãi 70 triệu đồng từ 1200m2 nuôi cá

Chính vì vậy nghe thông tin nuôi cá lãi 70 triệu đồng/năm chỉ với 1.200m2, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.
Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long đã tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá của gia đình anh Vũ Văn Quãn, chủ mô hình nuôi cá nói trên, tại Khu phố Phú Tân, phường An Lộc, thị xã Bình Long mới thấy được cách anh làm, kinh nghiệm và kết quả đạt được là điều hiển nhiên.
Anh Quãn đã có một số kinh nghiệm nuôi cá từ ngoài Bắc, anh đến Bình Long được 2 năm nay.
Anh nuôi cá từ năm 2014, lúc đầu anh thả 50kg cá giống, tuy nhiên do chưa quen với vùng đất mới, chưa biết chỗ mua cá giống uy tín nên cá chết sạch không còn con nào
. Sau đó, anh tiếp tục thả thêm 80kg cá giống trong đó rô phi đơn tính chiếm 80% còn lại là cá chép, trắm cỏ, cá mè.
Sau gần một năm nuôi anh thu tổng cộng được 3,1 tấn cá các loại trong đó rô phi được khoảng 2 tấn, nhưng do giá rô phi rẻ nên lợi nhuận chỉ đạt hơn 2 chục triệu đồng.
Đầu năm 2015 anh thả 100kg cá giống với tỷ lệ: Cá chép 50kg (kích cỡ 100con/kg); cá trắm cỏ 30kg (kích cỡ 50 con/kg); cá rô phi 15kg; cá mè 5kg.
Giữa tháng 8 anh đánh tỉa cá trắm cỏ, rô phi được 1,4 tấn (cá trắm đạt trung bình 2,0 – 2,3kg/con) bán được 48 triệu đồng, dưới ao còn trên 2 tấn cá các loại trong đó chủ yếu là cá chép với trọng lượng trung bình 0,5 - 0,6 kg/con.
Tổng chi phí cho giống và thức ăn hết 70 triệu đồng, đến cuối năm anh đánh bắt toàn bộ, giá bán trung bình 50.000 đồng/kg thu được khoảng 100 triệu đồng.
Như vậy qua 2 lần thu trừ chi phí anh có lợi nhuận 70 triệu đồng.
Qua cuộc nói chuyện anh cho rằng nuôi cá rất dễ, “làm chơi ăn thật” song muốn nuôi đạt năng suất cao phải tùy thuộc từng vùng miền, kỹ thuật nuôi vẫn tuân thủ cơ bản theo quy trình nhưng cũng cần có kinh nghiệm riêng để giảm chi phí, tận dụng tối đa diện tích mặt nước nhằm tăng hiệu quả, đó là:
1. Xử lý ao nuôi thật kỹ, một năm nạo vét, phơi khô đáy ao một lần, dùng vôi, lân để khử trùng, tạo màu nước trong ao, chọn cá giống đảm bảo chất lượng, độ đồng đều cao, sạch bệnh, mua nơi có uy tín.
Kiểm soát tốt nguồn nước vào ao (anh chủ yếu dùng nước giếng khoan sau đó cho chảy qua các bao vôi để đảm bảo độ PH)
2. Nuôi với mật độ dày, nhất thiết phải dùng máy sục khí, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế, tuyệt đối không dùng nước mưa ở các cống rãnh xung quanh cho chảy vào ao.
3. Cho ăn 2 lần/ngày với lượng 1,5 – 2% trọng lượng cá (đối với cá lớn); 6 - 7 lần/ngày với lượng 5% trọng lượng cá (đối với cá nhỏ), thức ăn chủ yếu là cỏ voi (cho cá trắm), cám tổng hợp Cargill (cho cá chép). Không sử dụng các loại cám tổng hợp có hàm lượng Potein dưới 30%.
4. Không dùng phân hữu cơ, u rê, thuốc kháng sinh để cho cá ăn và phòng trị bệnh trong suốt quá trình nuôi vì đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước và gây bệnh cho cá.
Định kỳ 1 tháng 3 lần anh cho cá ăn tỏi để phòng trị bệnh nấm, đen đầu, đốm đỏ, lở loét; cây chó đẻ, cây cỏ mực để phòng trị bệnh đường ruột. Liều phòng bệnh: 0,2kg tỏi/10kg cám; liều trị bệnh: 0,5kg tỏi/100kg trọng lượng cá.
Tất cả tỏi, cây chó đẻ, cỏ mực anh xay nhuyễn rồi trộn vào cám để cho cá ăn (khi phòng, trị bệnh như vậy nên giảm bớt lượng cám để cá ăn hết).
5. Khi thấy cá nổi đầu, màu nước xanh đặc hơn bình thường thì tiến hành giảm lượng thức ăn, thay nước (thêm 1/3 lượng nước mới), khi nước bị váng vàng dùng vôi cục hòa tan để qua đêm rồi lấy phần nước vôi trong té khắp mặt ao (không sử dụng phần vôi lắng cặn).
6. Khi đánh bắt tỉa xong thì thả thêm cá giống, đồng thời trong ao luôn nuôi thêm 1% giống cá lóc (vì anh cho rằng đây là những con dọn vệ sinh cho ao để ao khỏi bị ô nhiễm, cá lóc sẽ ăn hết những con cá còi, yếu, cá bị bệnh, cá chết có trong ao, cá lóc nuôi thường chậm lớn hơn các cá khác nên không sợ chúng ăn các loại cá khác.
Một người cởi mở, dễ gần say mê với nghề, anh cho rằng cá rất dễ nuôi, đầu tư thấp, tốn ít công sức, cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích.
Cuối năm 2015 anh sẽ mở rộng thêm 3000m2 nữa và mong muốn kết hợp với tất cả các hộ khác hình thành vùng nuôi cá sạch để cung ứng ra thị trường và hẹn chúng tôi cứ 1 tháng tới thăm 2 lần để tận hưởng sản phẩm cá sạch do anh làm ra.
Có thể nói đây là một địa chỉ tin cậy hiệu quả để bà con trong vùng có nhu cầu học hỏi và áp dụng để tăng thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Ông Lê Văn Dũng, SN 1955, hiện ở ấp Long An B, xã Phú Thọ là người tiên phong của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao thành công.

Với mong muốn phát triển nghề trồng nấm, xã Quế Nham, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang tập trung xây dựng làng nghề, mở rộng phạm vi sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

Vườn tiêu hơn 500 trụ là nguồn thu nhập chính đối với gia đình anh Lê Trung Nhớ (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê - Gia Lai). Anh Nhớ cho biết: Gia đình tôi có hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó khoảng 500 trụ được trồng bằng cây trụ chết (gỗ) mới thu hoạch được 2 năm thì xuất hiện nhiều loại bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm. Bây giờ, gia đình tôi chỉ còn trông chờ vào 500 trụ tiêu trồng bằng cây keo này mà thôi.

Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.

Ghi nhận tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho thấy đã xuất hiện một loại sâu hại cây trồng, theo người dân địa phương gọi là sùng đất. Sùng đất ăn rễ và củ của hầu hết các loại cây trồng, gây thiệt hại lớn cho bà con trong khi người nông dân chưa có biện pháp khắc phục.