Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lá Rừng Thành Đặc Sản Quê Hương

Lá Rừng Thành Đặc Sản Quê Hương
Ngày đăng: 13/02/2014

Gần Tết Giáp Ngọ, một niềm vui mới đến với người dân vùng Cùa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), khi tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố sản phẩm cao lá vằng nằm trong Danh sách 50 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Tin vui đến vào những ngày cuối năm làm những người dân sản xuất cao lá vằng mừng ra mặt. Họ cười phấn chấn và rạng ngời. Nụ cười xua tan đi bao âu lo và nhọc nhằn của cái nghề không có giấc ngủ trọn vẹn này. Không ai có thể ngờ được rằng, hương rừng vùng đồi núi bán sơn địa của Quảng Trị trở thành đặc sản của Việt Nam. Và cũng rất đỗi tự hào khi trên mảnh đất hình chữ S này có hàng trăm hàng nghìn của ngon vật lạ, nhưng cao lá vằng lại được chọn để những người con xa quê mang làm quà biếu.

Ông Trần Hà, Chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu Cùa, là một trong những người trăn trở trong nhiều năm qua để đưa lá vằng, một thứ lá không tên tuổi trở nên nổi danh và có thương hiệu như bây giờ. Từ năm 2010, ông Hà lăn lộn ngược xuôi, đánh vật với từng con chữ của Luật Sở hữu trí tuệ, rồi các kiểm định an toàn thực phẩm. “Nhiều khi vướng một thủ tục nào đó là cả đêm tôi thao thức, không chợp mắt được.

Trằn trọc suy nghĩ, rồi bật dậy mở máy tính để tra cứu tài liệu, tìm cách hoàn thành hồ sơ”, ông Trần Hà kể. Thế rồi ngày vui cũng đến, với sự trợ giúp của Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quảng Trị, đầu năm 2013, sản phẩm cao lá vằng cùng Cùa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu sản phẩm.

Đây chỉ là bước đi đầu tiên để đưa sản phẩm cao lá vằng đến với quốc tế. Tháng 11/2013, cao lá hoàn thành việc in mã vạch. “Nghĩa là cao lá vằng đã được nhà nước bảo hộ, được quốc tế công nhận. Bây giờ hàng ra nước ngoài, chỉ cần dùng máy quét mã vạch là biết được thương hiệu, xuất xứ… sản phẩm”, ông Hà phấn chấn.

Cũng tháng 12/2013, cao lá vằng nhận được Huy chương vàng sản phẩm chất lượng Việt Nam do Viện Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn trao tặng. Với những thành tựu đạt được đó, có thể nói năm 2013 là một năm nhiều niềm vui và đầy trọn vẹn với cao lá vằng vùng Cùa .

Ở Quảng Trị, cao lá vằng từ lâu có mặt ở nhiều cửa hàng thương mại, nhiều siêu thị. Để đưa cao lá vằng đến với rộng rãi người tiêu dùng, ông Hà mang cao lá vằng đi tham dự rất nhiều hội chợ, ký gửi ở nhiều nhà hàng, khách sạn lớn... khắp cả nước. Đến nay, cao lá vằng có chỗ đứng, bán ổn định ở thị trường Nghệ An và Hà Nội.

Đặc biệt, mỗi năm, ông Hà thống kê khoảng 10 kg cao lá vằng được các hộ sản xuất gửi sang Mỹ cho bà con, người quen. “Một phần vừa biếu người nhà, phần khác là nhờ giới thiệu sản phẩm của quê hương. Sắp đến, HTX nhờ tổ chức ROP (Hoa Kỳ) để giới thiệu và đưa mặt hàng cao lá vằng sang Mỹ”, ông Hà bộc bạch.

Cầm miếng “vàng đen” mân mê trên tay, ông Hà ưu tư: “Chúng tôi rất vui mừng khi cao lá vằng được bình chọn trở thành đặc sản không chỉ của quê nhà mà của cả Việt Nam. Nhưng để sản phẩm đến với nhiều người hơn, cần đầu tư bài bản từ khâu sản xuất, đóng gói đến bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài, HTX sẽ bao tiêu sản phẩm của tất cả các hộ sản xuất để kiểm soát giá cả, nâng cao thu nhập cho bà con, đồng thời cũng để giữ gìn thương hiệu và nâng cao uy tín sản phẩm”.

Từ hơn 10 năm qua, cao lá vằng thực sự trở thành “vàng đen”, mang lại nguồn thu nhập lớn, thay đổi cuộc sống của người dân hai xã Cam Nghĩa và Cam Chính. Đến nay, có khoảng 40 hộ chuyên nấu cao trong hai xã, bình quân mỗi ngày sản xuất 200 kg cao.

Cái nghề luôn đỏ lửa, luồn rừng vượt suối để hái lá nhưng hiện giá bán lá vằng không cao, chỉ từ 120-150 nghìn đồng/kg. “Nhiều người nấu quá nên giờ nguồn nguyên liệu đang khan hiếm dần. Người dân phải đi xa hơn, ra đến Quảng Bình, vào đến Thừa Thiên -Huế để hái lá”, ông Võ Văn Trọng, người nấu cao lá vằng ở thôn Định Sơn cho biết.

Cây lá vằng từ loài cây hoang dại trong rừng, chắt lọc những tinh hoa của đất cằn sỏi đá Quảng Trị để mang trong mình vị đắng, vị ngọt đậm đà. Nay những người dân Cùa, trong cuộc sống, lao động và sáng tạo đã tìm ra cách để chắt lấy cái tinh hoa, làm nên đặc sản của quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Xuống Đồng Sản Xuất Đầu Năm Mới Nông Dân Xuống Đồng Sản Xuất Đầu Năm Mới

Tuy không khí ngày xuân đang tràn ngập ở các địa phương trong tỉnh nhưng để đảm bảo tiến độ thời vụ, ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, nông dân xã Hùng Sơn, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã tiếp tục xuống đồng chăm sóc cây lúa và hoa màu.

21/02/2014
Nông Dân Bỏ Tiền Túi Ra Nước Ngoài Học Trồng Cà Chua Nông Dân Bỏ Tiền Túi Ra Nước Ngoài Học Trồng Cà Chua

Tới ngã ba Liên Khương (Đức Trọng) còn phải đi thêm một đoạn đường hơn 10km mới đến trang trại của các anh Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Phú Quốc. Con đường dẫn vào trang trại được trải nhựa phẳng, hai bên là vườn cà phê đang chín.

21/02/2014
Cà Mau Thả Hơn 600.000 Con Giống Thủy Sản Xuống Biển Cà Mau Thả Hơn 600.000 Con Giống Thủy Sản Xuống Biển

Thực hiện Dự án “Tái tạo, thả bổ sung giống thủy sản tại một số cửa sông nội đồng, ven biển tỉnh Cà Mau”, ngày 15/3, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời tổ chức thả hơn 600.000 con giống thủy sản tại cửa biển Sông Đốc.

18/03/2014
Tăng Cường Đầu Tư Thủy Lợi Nội Đồng Phục Vụ Nuôi Tôm Tăng Cường Đầu Tư Thủy Lợi Nội Đồng Phục Vụ Nuôi Tôm

Xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) có diện tích nuôi thủy sản khá lớn trên 890ha (chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

18/03/2014
Hơn 1.000 Ha Nuôi Trồng Thủy Sản Hơn 1.000 Ha Nuôi Trồng Thủy Sản

Năm 2014, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) có kế hoạch nuôi trồng thủy sản đạt hơn 1.000 ha, tổng sản lượng khai thác đạt gần 1.600 tấn thủy sản các loại, trong đó nuôi thủy sản nước lợ 330 ha, sản lượng khoảng 320 tấn (với 46 ha nuôi công nghiệp, thâm canh và trên 284 ha nuôi quảng canh cải tiến); 688 ha nuôi thủy sản nước ngọt.

18/03/2014