Vĩnh Thạnh dồn sức xây dựng nông thôn mới

Cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong huyện đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện, nên đã đạt những kết quả đáng kể, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, cùng vốn ngân sách địa phương, huyện đã tập trung xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, như: Mô hình “cánh đồng mẫu lớn”;
Nhân rộng mô hình trồng đậu phụng xen canh ớt; chuyển giao kỹ thuật nuôi vỗ béo bò, nuôi cá nước ngọt, trồng bắp lai, nuôi gà an toàn sinh học, trồng bí đỏ, chuối tiêu hồng...
Trong đó, có một số mô hình được đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn Chương trình XDNTM, đã đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho người dân.
Ngoài ra bằng nguồn vốn 135, 30a…, huyện đã ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân.
Tại xã điểm XDNTM Vĩnh Quang, 5 năm qua, các công trình hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa… được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng.
Các mô hình phát triển sản xuất theo thế mạnh của địa phương được thực hiện có hiệu quả và đang được đầu tư nhân rộng, nhất là các mô hình: nuôi vỗ béo bò, nuôi cá nước ngọt, trồng kiệu, trồng bắp non, trồng rau an toàn, thực hiện cánh đồng mẫu lớn sản xuất bằng giống lúa lai…
Ông Trịnh Bảo Luân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang cho biết: Trong 5 năm, xã đã bê tông hóa được hơn 27 km đường giao thông nông thôn các loại, kiên cố hóa trên 17 km kênh mương nội đồng, nâng cấp sửa chữa trạm y tế xã, xây dựng mới chợ trung tâm xã, xây dựng mới và duy tu nâng cấp nhà văn hóa các thôn, trường học…
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức XDNTM”, nhân dân đã đóng góp gần 14,6 tỉ đồng, gồm 410 triệu đồng tiền mặt, 5.617 ngày công lao động, 2.700 m2 đất và cây cối hoa màu.
Hiện Vĩnh Quang đã đạt 12/19 tiêu chí NTM.
Bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép khác, các xã đã triển khai xây dựng hạ tầng phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương của người dân.
Tỉ lệ đường trục xã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn được bê tông hóa và cứng hóa đạt 100%; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 70%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa trên 40%.
Cùng với chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ bê tông hóa 90,5 km đường, bao gồm đường thôn, xóm và giao thông nội đồng.
Các xã đã bê tông hóa hơn 65 km kênh mương nội đồng...
Tổng vốn huy động cho XDNTM trên địa bàn huyện đến nay gần 250 tỉ đồng.
Nhìn chung, nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp của Chương trình chưa tương xứng với nhu cầu thực tế, mức hỗ trợ còn hạn chế trong khi nhu cầu xây dựng hạ tầng nông thôn đang cấp thiết, trong khi việc huy động kinh phí từ địa phương hầu như không đáng kể.
Trong 8 xã XDNTM trên địa bàn huyện, hiện có 1 xã đạt 12 tiêu chí; 4 xã đạt 8 đến 11 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 4 đến 7 tiêu chí.
Mục tiêu phấn đấu của huyện là đến hết năm 2020 có 2 xã đạt chuẩn NTM.
Ông Trần Quốc Lại, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để thực hiện.
XDNTM là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhưng phải đạt được những kết quả cụ thể trong từng giai đoạn.
Do vậy, huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo các địa phương làm chắc từng tiêu chí với phương châm dễ làm trước, khó làm sau.
Qua 5 năm thực hiện XDNTM ở các địa phương trong huyện Vĩnh Thạnh cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về mục đích và lợi ích của chương trình;
Bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, và sự tham gia tích cực của các hội-đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dân là yếu tố quyết định thắng lợi.
Có thể bạn quan tâm

Dù đã bước vào niên vụ sản xuất mía đường chính vụ, nhưng không khí tranh thu mua nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL năm nay không tái diễn. Hiện tượng này được đánh giá là khá “lạ”, bởi 15 năm qua, các nhà máy đường ở khu vực luôn trong cảnh tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu khi vào vụ. Năm nay, phải đến giữa tháng 10, các nhà máy đường mới bắt đầu vào vụ, trong khi đó, vụ mía đường chính hàng năm mở màn từ tháng 9.

Từ đầu năm tới nay, trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc và EU cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ thì giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản sụt giảm do các hàng rào kỹ thuật và sang Nga, Australia thiếu ổn định.

Theo ông Dũng, 18 giống cây thủy sinh xuất bán đều được nhập khẩu từ chính Đan Mạch và Singapore. Sau khi được nhân giống trong phòng thí nghiệm và nuôi lớn đến mức có thể sống trong môi trường nước, công ty sẽ xuất khẩu trở lại các nước này.

Những đề xuất này được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ" do Liên minh Vì quyền của nông dân và hiệu qủa của nền nông nghiệp Việt Nam (Liên minh nông nghiệp) được diễn ra sáng nay (21/10), tại Hà Nội.

Hiện nay, hồ tiêu là loại cây trồng có nhiều ưu thế được nông dân trong tỉnh lựa chọn. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 11.466 ha tiêu (tăng 4.482 ha so với năm 2005); sản lượng khoảng 15.238 tấn, chiếm khoảng 5,35% tổng sản lượng cây công nghiệp của toàn tỉnh.