Khởi Sắc Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Bến Tre), toàn huyện hiện có 373 bè nuôi cá; tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thạch với hơn 30 hộ nuôi, tổng số trên 120 bè và tổng thể tích nuôi gần 15.000m3.
Thời gian qua, các khoản chi phí đầu vào để nuôi cá như: giá thức ăn, thuốc, hóa chất… liên tục tăng, nhưng đầu ra chưa ổn định, giá cá thương phẩm luôn đứng ở mức thấp hoặc giảm giá nên người nuôi không có lợi nhuận cao hoặc bị thua lỗ, cho nên có gần 50% hộ nuôi buộc phải treo bè.
Tuy nhiên, khoảng hai tháng trở lại đây, dọc theo mé sông Tiền, thuộc địa phận ấp 10 - xã Tân Thạch, từ chân cầu Rạch Miễu xuống bến phà Rạch Miễu cũ, những hộ nuôi cá bám trụ kiên trì, không bỏ cuộc bắt đầu có niềm vui trở lại, giá cá thương phẩm tăng lên, người nuôi có lãi cao. Anh Trịnh Công Trung, ở ấp 10, cho biết anh hiện có 6 bè nuôi (5 bè nuôi cá điêu hồng và 1 bè nuôi cá lăng). Các năm trước, anh nuôi bình thường thì lỗ công chăm sóc, nhưng anh vẫn bám nghề. Gần 2 tháng nay, giá cá thương phẩm đột nhiên tăng cao ổn định (từ 41.000-43.000 đ/kg), lượng cá thịt không còn đủ để cung ứng cho thị trường.
Vừa rồi, anh Trung đầu tư 1 bè (150m3), thả nuôi mật độ tối đa là 170 con/m3 mặt nước. Con giống đem về từ các cơ sở ương nuôi tại địa phương và Đồng Tháp, dưỡng lại trong vèo lưới đến khi cá đạt trọng lượng 25-30 con/kg thì tuyển chọn lại thả vào bè nuôi. Anh Trung cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi.
Ở giai đoạn cá còn nhỏ (nhỏ hơn 200 gr/con), anh cho cá ăn 3-4 lần/ngày (3-5% trọng lượng thân), giai đoạn 200 gr/con trở lên, cá ăn 2 lần/ngày (2-3% trọng lượng thân). Anh Trung bổ sung men tiêu hóa và Vitamin C vào thức ăn cho cá. Định kỳ 7-10 ngày, anh Trung trộn kháng sinh (được sự cho phép của ngành thủy sản) cho cá ăn liên tục 2-3 ngày để phòng bệnh cho cá.
Sau thời gian nuôi 5 tháng, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR): 1.7 (1,7kg thức ăn/kg cá), tỷ lệ sống: 78%, cá đạt trọng lượng 0,5 kg/con trở lên; anh Trung thu hoạch được 9,75 tấn cá thương phẩm, với giá bán 41.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, anh Trung có lãi trên 100 triệu đồng (lãi khoảng 12.000 đ/kg cá).
Nuôi cá điêu hồng lồng bè trên sông ngoài tận dụng diện tích mặt nước, còn tạo nguồn thực phẩm thủy sản, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Điểm nhấn trong bức tranh khởi sắc về kinh tế nông hộ của xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) những năm qua có thể kể đến là mô hình kinh tế lợn - cá. Nhờ mô hình này mà hàng chục hộ nông dân nơi đây đã trở thành triệu phú với mức thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí đạt từ 150 - 200 triệu đồng/mô hình.

Điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện có khoảng 38% diện tích cà phê tái canh của hộ gia đình ở vùng Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) đang bị vàng lá, khô cành… do trồng trên đất không đủ thời gian luân canh, nên đã tạo ra môi trường thuận lợi để các tuyến trùng phát triển nhanh trong đất, gây hại bộ rễ cây.

Trong 2 tháng qua, nhiều nhà vườn trồng cam sành và bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ở ĐBSCL phải mất ăn, mất ngủ vì nạn trộm. Dù đã có kẻ bị xử phạt hành chính lẫn hình sự nhưng nạn trộm cắp vẫn chưa có chiều hướng giảm vì giá 2 loại nông sản này đang sốt

Ông Hồ Văn Tốp, xã viên HTX bưởi da xanh Sông Xoài (huyện Tân Thành - Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, từ đầu năm đến nay, bưởi da xanh luôn nằm ở mức giá cao, thị trường tiêu thụ ổn định, cung không đủ cầu nên người trồng bưởi yên tâm sản xuất.

Tại một số chợ ở TP HCM như Bà Chiểu, Văn Thánh, Thị nghè (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) giá thủy hải sản bắt đầu tăng.