Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Những Ruộng Lúa Bị… Khai Tử

Khi Những Ruộng Lúa Bị… Khai Tử
Ngày đăng: 29/08/2014

Những năm gần đây, diện tích thanh long ở Bình Thuận liên tục phát triển. Mới qua mấy tháng đầu năm 2014 đã có nhiều diện tích đất lúa 2 - 3 vụ ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… bị nông dân tự “quy hoạch” để trồng thanh long.

Khi những ruộng lúa tiếp tục bị khai tử để thanh long tự phát cũng đồng nghĩa với những rủi ro khó lường mà người trồng thanh long sẽ phải hứng chịu.

Theo qui hoạch của tỉnh Bình Thuận thì đến năm 2015, diện tích trồng thanh long cả tỉnh sẽ là 15.087 ha, nhưng đến thời điểm này, diện tích đã nhảy vọt lên 22.452 ha, vượt quy hoạch đến năm 2015 trên 7.000 ha.

Làm nông luôn vất vả, và nếu chỉ chăm vào cây lúa thì khó mà đổi đời, tuy nhiên hiện nay, việc tiêu thụ lúa thương phẩm ở một số địa phương cũng khá thuận lợi. Vừa rồi ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, thu hoạch xong 20 ha lúa theo mô hình thí điểm liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, năng suất bình quân từ 65 đến 70 tạ mỗi ha.

Giá thu mua ở đầu vụ từ 7.000 đến 7.200 đồng/kg. Như vậy, trồng 1 ha lúa, nông dân thu về khoảng 50 triệu đồng, nhưng tính ra vẫn thấp hơn từ 3 đến 4 lần so với thu nhập từ 1 ha thanh long trái vụ và được giá.

Do đó, thấy lợi trước mắt, nhiều người đổ xô trồng thanh long, nhưng đến khi thị trường giá biến động thì hậu quả cũng khó mà lường được. Được biết, toàn tỉnh hiện 6.694 ha thanh long trồng trên đất lúa, trong đó thanh long trồng trên đất lúa 2 – 3 vụ là 4.079 ha, đất lúa 1 vụ là 2.165 ha.

Riêng tại huyện Hàm Thuận Bắc, mới chỉ 5 tháng đầu năm 2014 đã có 907 trường hợp vi phạm trồng thanh long trên đất lúa với diện tích trên 230 ha, trong đó có trên 209 ha lúa nước từ 2 đến 3 vụ bị đào ao, đổ đất để trồng thanh long. Qua kiểm tra cấp xã đã xử phạt 510 trường hợp.

Việc quản lý chặt chẽ đất lúa nước có liên quan đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia, nhưng thực tế khi tiến hành xử phạt nông dân cũng là vấn đề rất nhạy cảm, gây khó xử cho những người phụ trách công việc này.

Hiện thanh long Bình Thuận vẫn chưa đứng vững được ở các thị trường lớn khác như các nước châu Âu, châu Mỹ, mà đa phần là được xuất dạng tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc; nhưng mỗi khi bến đỗ này chỉ gặp trục trặc nhỏ thì chẳng những ảnh hưởng trực tiếp đến nhà vườn, những người kinh doanh, mà còn liên đới chung đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh diện tích thanh long phát triển quá nhanh cũng ảnh hưởng đến một số vấn đề xã hội như gây quá tải cho công suất điện, hạn chế những sản phẩm lương thực khác…

Ngoài việc quản lý, xử phạt, cũng còn nhiều việc lớn hơn cần phải làm như quản lý và thực hiện triệt để diện tích, quy hoạch vùng trồng thanh long, có biện pháp hỗ trợ thực tế để khuyến khích nông dân tập trung đầu tư chăm sóc long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP thay vì phát triển thêm diện tích.

Và có lẽ bước ổn định lâu dài nhất vẫn là nhanh chóng tìm cách tăng thị trường xuất chính ngạch, có hợp đồng để ràng buộc giữa người trồng và tiêu thụ.

Khi nông dân vẫn chưa ý thức được những rủi ro thị trường thì diện tích cây thanh long sẽ còn tăng, thay vào đó sẽ có nhiều diện tích lúa tiếp tục bị khai tử.


Có thể bạn quan tâm

Krông Nô Thúc Đẩy Sản Xuất Cây Lương Thực Theo Hướng Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Krông Nô Thúc Đẩy Sản Xuất Cây Lương Thực Theo Hướng Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Huyện Krông Nô có khoảng 19.000 ha đất nông nghiệp và điều kiện về nguồn nước khá thuận lợi cho sản xuất cây lương thực, chủ yếu là lúa, ngô, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 123.000 tấn. Vì vậy, hiện địa phương này được tỉnh chọn là vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa trọng điểm của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

15/12/2014
Chư Jút Chủ Động Triển Khai Sản Xuất Vụ Đông Xuân Chư Jút Chủ Động Triển Khai Sản Xuất Vụ Đông Xuân

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2014-2015, toàn huyện sẽ gieo trồng 900 ha cây trồng các loại; trong đó, chủ lực vẫn là ngô, lúa. Hiện nay, chính quyền và người dân các xã, thị trấn đang tích cực triển khai các giải pháp cần thiết để chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả, kịp thời và phòng tránh những thiệt hại có thể xảy ra trong vụ.

15/12/2014
Sản Xuất Nông Sản Đảm Bảo Sức Khỏe Người Tiêu Dùng Sản Xuất Nông Sản Đảm Bảo Sức Khỏe Người Tiêu Dùng

Đầu tháng 11 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản chủ trì, phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tiến hành lấy 3 mẫu rau (hành hoa, cải ngồng, cà pháo) tại 3 cơ sở sản xuất rau xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) đang trong thời điểm thu hoạch; 7 mẫu củ, quả (hành tây khô, tỏi khô, cà rốt, lê, táo tàu, hồng và quít) tại 5 đại lý, cửa hàng kinh doanh - đầu mối nhập và phân phối hàng củ, quả tươi trên địa bàn phường Tân Thanh và Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV.

15/12/2014
Phải GlobalGAP Mới Xuất Khẩu Được? Phải GlobalGAP Mới Xuất Khẩu Được?

Hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Đây là điều cần thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, 2 tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) và GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt tiêu chuẩn toàn cầu) có mức chênh lệch về đầu tư khá lớn, khiến nhiều nông dân rất đắn đo khi áp dụng.

15/12/2014
Cần Thực Hiện Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Một Cách Bền Vững Cần Thực Hiện Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Một Cách Bền Vững

Phải có giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi rồi mới hướng tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục đích thay đổi nền nông nghiệp sản xuất lạc hậu, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng khoa học - kỹ thuật một cách bền vững.

15/12/2014