Krông Nô Thúc Đẩy Sản Xuất Cây Lương Thực Theo Hướng Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Huyện Krông Nô có khoảng 19.000 ha đất nông nghiệp và điều kiện về nguồn nước khá thuận lợi cho sản xuất cây lương thực, chủ yếu là lúa, ngô, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 123.000 tấn. Vì vậy, hiện địa phương này được tỉnh chọn là vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa trọng điểm của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Với ưu thế trên, hiện nay huyện đã xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn”, vùng lúa cao sản, vùng trọng điểm lương thực quy mô 550-600 ha tại các xã Đắk D’rô, Nam Đà, Buôn Choáh và Đức Xuyên. Một số diện tích lúa cạn cũng được duy trì với quy mô hợp lý trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã trong huyện.
Thời gian qua, với mô hình “cánh đồng mẫu lớn” chuyên canh lúa nước tại xã Buôn Choáh trong cả hai vụ đông xuân và hè thu khoảng 100 ha đã tạo ra vùng sản xuất tập trung.
Trong quá trình sản xuất, người dân được hướng dẫn áp dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng các công nghệ vi sinh để xử lý đất, phòng trừ sâu bệnh, nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Năng suất bình quân đạt 7,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 11,5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất lúa ngoài mô hình mẫu.
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” còn được triển khai thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap (sản xuất sạch), từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm gạo Buôn Choáh. Phát huy những kết quả đạt được, trong vụ đông xuân 2014-2015 này, huyện cũng đang triển khai mở rộng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” tại thôn Nam Tiến lên khoảng 90 ha.
Đối với cây ngô, từ năm 2012, huyện đã triển khai thí điểm mô hình trồng ngô giống F1 với diện tích 0,2 ha trên địa bàn xã Đức Xuyên, kết quả đạt 8 tấn/ha. Qua đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng các xã ven sông Krông Nô cơ bản phù hợp, năm 2013, huyện đã vận động nông dân tổ chức sản xuất cây ngô giống F1 với quy mô lớn đạt diện tích hơn 35 ha, năng suất đạt 5,6 tấn/ha.
Còn trong vụ đông xuân 2014-2015 này, huyện tiếp tục triển khai sản xuất 55 ha ngô giống lai F1 tại địa bàn các xã Đức Xuyên, Buôn Choáh, Đắk Nang. Trong đó, sản xuất tập trung tại xã Đức Xuyên 50 ha, gồm 2 ha giống ngô 8411 và 8416; các xã còn lại triển khai sản xuất thí điểm mỗi xã 2,5 ha.
Hiện nay, Công ty TNHH CP hạt giống Việt Nam đã ký hợp đồng với các hộ dân tại các xã xuống giống xong, cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, cây khoai lang, một số loại đậu đỗ... cũng được triển khai xây dựng mô hình, kết hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nhân rộng ra các vùng trên địa bàn.
Theo ông Đỗ Doãn Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì theo kế hoạch, năm 2015, dự kiến diện tích gieo trồng lúa của huyện là 5.392 ha, sản lượng 31.660 tấn; cây ngô: 15.550 ha, sản lượng 108.850 tấn.
Dựa vào điều kiện đất đai cũng như trình độ canh tác ngày càng cao của nông dân, huyện đã quy hoạch các vùng chuyên canh với diện tích lớn, xây dựng hạ tầng kèm theo để thúc đẩy sản xuất cây lương thực theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu để tăng giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định và hình thành ngành công nghiệp chế biến.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/krong-no-thuc-day-san-xuat-cay-luong-thuc-theo-huong-nong-nghiep-cong-nghe-cao-36425.html
Có thể bạn quan tâm

Ớt chỉ thiên trồng được quanh năm, sau 2 tháng rưỡi thu hoạch, năng suất từ 15- 20 tấn/ha/vụ. Từ năm 2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm đã có kế hoạch thực hiện mô hình trồng ớt tại 10 xã với 25ha. Qua vận động trồng được 8ha, so canh tác 3 vụ lúa/năm, ớt chỉ thiên cho lợi nhuận cao hơn 3- 4 lần.

Trái kiwi có nguồn gốc từ Trung Quốc với tên gọi trái lý gai. Hạt giống trái này được mang đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đất nước New Zealand vào năm 1904. Năm 1958, New Zealand chính thức lấy tên là kiwi từ loài chim kiwi tiêu biểu của đất nước này. Thực tế nơi trồng nhiều kiwi không phải là New Zealand, nhưng kiwi của New Zealand lại là loại số 1 thế giới.

Dù kim ngạch xuất khẩu thanh long tiếp tục có sự bứt phá ấn tượng ở hầu hết các thị trường, nhưng người nông dân đang được khuyến cáo phải tập trung vào chất lượng của trái để tránh rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” như bài học đối với dưa hấu đầu năm nay

Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể).

Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, Đồng Tháp đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất để đưa nông sản vào hệ thống phân phối. Thế nhưng, trong khi các siêu thị có nhu cầu rất lớn đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi sống thì nông dân trong tỉnh lại chưa thể tham gia vào hệ thống này...