Khan Hiếm Cá Tra Giống

Gần nửa tháng nay, giá cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng thêm 2.000 - 4.000 đồng/kg, lên mức 36.000 - 40.000 đồng/kg (loại 30 - 50 con/kg).
Nhiều người nuôi ở Tiền Giang cho biết, giá giống tăng là do giá cá tra thịt đang ở mức khá, trong khi nguồn cá giống khan hiếm hơn so với mọi năm.
Ông Nguyễn Văn Tỏ - nông dân ương cá tra giống ở xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết, cá tra giống có chiều cao thân 1,7cm (tương đương 50 con/kg) và 2cm (30 con/kg) là 2 cỡ cá giống được nông dân và doanh nghiệp chọn thả nuôi nhiều nhất. Hiện nay, cá tra giống giao tại ao loại 2cm/con có giá 36.000 - 37.000 đồng/kg; loại 1,7cm/con giá khoảng 40.000 đồng/kg.
Theo ông Tỏ, những đợt không khí lạnh kéo dài hồi đầu năm đã gây bất lợi cho hoạt động ương dưỡng cá tra giống, khiến dịch bệnh nhiều, tỷ lệ hao hụt rất cao, gây thiệt hại cho người ương cá.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quốc Trí - chủ cửa hàng bán thuốc thú y thủy sản, cũng là thương lái thu mua cá giống ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy cho biết: “Do ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, dịch bệnh nhiều nên tỷ lệ ương cá tra giống thành công trên địa bàn chỉ đạt khoảng 3-5%, khiến lượng cá tra giống rất khan hiếm. Gần nửa tháng qua, tôi cũng không có cá giống để cung cấp cho các doanh nghiệp và người nuôi”.
Theo bà con, mỗi vụ ương cá tra giống kéo dài khoảng 2,5-3 tháng. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, kỹ thuật tốt thì tỷ lệ sống trong ương cá tra giống đạt khoảng 10%, tương đương 4 tấn cá giống/công, giá thành sản xuất bình quân 22.000 đồng/kg. Với giá cá tra giống như hiện nay, sau khi trừ chi phí người ương giống lời khoảng 60 triệu đồng/công. Tuy nhiên, không có nhiều hộ đạt được mức lợi nhuận này, thậm chí có hộ mất trắng do cá giống chết sạch.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, các hộ sản xuất, ương dưỡng cá giống trong địa bàn tỉnh đã cung cấp cho thị trường 71,7 triệu cá giống và 136 triệu cá bột các loại, trong đó có 18,7 triệu con cá tra giống; 10,5 triệu cá điêu hồng giống. Hiện toàn tỉnh có khoảng 272ha diện tích ương cá tra giống, giảm 25% so với năm 2012, cung cấp cho thị trường khoảng 208,4 triệu con giống, giảm 10% so với năm 2012.
Do ảnh hưởng sụt giảm từ hoạt động nuôi cá tra thương phẩm nên giá cá tra giống trong năm luôn ở mức thấp, vì vậy nhiều hộ ương cá tra đã chuyển sang ương nuôi các đối tượng khác, trong đó một số xã trọng điểm ương cá tra giống như Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) bà con đã san lấp 24,2ha ao để quay lại trồng lúa, hoa màu.
Có thể bạn quan tâm

Do ảnh hưởng mưa trái mùa trên diện rộng, làm hơn ngàn hecta lúa hè thu 2013 vừa gieo sạ bị ngập úng nhiều ngày. Hiện nay, ở các địa phương có diện tích lúa bị hư hại, nông dân đồng loạt cấy dặm, dẫn đến “sốt” công.

Thời gian gần đây, nông dân tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận đổ xô tìm mua cá rô đầu vuông để nuôi. Giống cá này mới được phát hiện cách đây hơn một năm, có kích thước lớn gấp nhiều lần so với cá rô đồng bình thường.

Bảo hiểm trên tôm nuôi đang là giải pháp giúp người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) giảm bớt gánh nặng rủi ro khi tôm bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền chi trả để tái sản xuất sau hơn 2 tháng tôm nuôi bị thiệt hại và được xác minh.

Hiện nông dân trồng bắp tại nhiều địa phương ở ĐBSCL phấn khởi khi đầu ra sản phẩm đã thuận lợi và giá bắp trái đã tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/chục 14 trái so với đầu năm 2013, giúp nông dân có lợi nhuận tương đối khá.

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, Phòng Dân tộc huyện Mường Ảng đã xây dựng mô hình trồng giống bí đỏ JV 888 F1; đến nay mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.