Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Mở Từ HTX Nuôi Nghêu Đất Mũi

Hướng Mở Từ HTX Nuôi Nghêu Đất Mũi
Ngày đăng: 16/09/2013

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.

Đại hội xã viên để hợp nhất 16 hợp tác xã (HTX) hoạt động riêng lẻ thành một tổ chức đồng nhất dưới cái tên HTX nuôi nghêu Đất Mũi vào giữa tháng 5 vừa qua là tiền đề phát huy tiềm năng kinh tế con nghêu thịt ở bãi bồi Đất Mũi.

Ông Lê Vũ Sánh, Giám đốc HTX nuôi nghêu Đất Mũi, cho biết, đại hội đã bầu ra được 13 thành viên trong Hội đồng quản trị. Đồng thời, đại hội cũng thông qua được quy chế hoạt động của HTX, quy chế tài chính và phương thức tổ chức sản xuất trên bãi bồi nhiệm kỳ 2013-2017.

Ổn định vùng nuôi

Về mục tiêu hoạt động sản xuất của HTX, theo ông Sánh, HTX hoạt động chủ yếu là phục vụ cho đời sống người dân vùng bãi bồi, đặc biệt là hộ nghèo của địa phương. Chính nhờ bám sát mục tiêu này nên tạo được lòng tin của xã viên.

Điều đó được thể hiện qua số lượng xã viên làm đơn xin vào HTX ngày một đông. Nếu khi đại hội, HTX chỉ có 1.200 xã viên, thì đến nay đã có thêm 209 hộ dân làm đơn xin vào HTX.

Chính nhờ vào niềm tin HTX sẽ là nơi mang lại cuộc sống ổn định cho họ nên tình hình an ninh trên bãi bồi cũng như tình trạng xâm hại vào vùng nuôi nghêu thịt trong vụ mùa vừa qua được hạn chế triệt để.

Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng uỷ xã Đất Mũi, cho biết, nhờ công tác tuyên truyền vận động được quan tâm thực hiện cũng như sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng nên trong mùa nghêu giống vừa qua, tình hình an ninh trên bãi bồi khá ổn định. Không xảy ra tình trạng xâm chiếm vùng nuôi nghêu thịt hay tranh giành khu vực khai thác như những năm trước.

Để hoạt động của HTX đi vào ổn định cũng như bảo vệ lợi ích của xã viên, ông Sánh cho biết, HTX đã in trên 1.200 thẻ để cấp phát cho các xã viên khi vào khu vực bãi bồi khai thác. Đồng thời cử 13 thành viên trong Hội đồng quản trị đến các ấp để vận động tuyên truyền người dân và xã viên, các tổ hoạt động khai thác theo đúng vùng, khu vực đã quy định.

Con nghêu thịt trên bãi bồi Đất Mũi được đánh giá là vật nuôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Bởi lẽ nó không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên mà giá cả thực tế luôn ổn định ở mức cao. Là người có kinh nghiệm nhiều năm theo con nghêu, ông Sánh nhận định, nếu tổ chức sản xuất tốt, con nghêu thịt nơi bãi bồi sẽ giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế nhanh.

Trong vụ mùa 2011-2012, mặc dù bị người dân xâm phạm khá nghiêm trọng cũng như phải chịu hai đợt dịch bệnh nhưng đến khi thu hoạch vẫn có được trên 60% lợi nhuận. Đồng thời, vụ mùa 2012-2013 này tuy chưa thu hoạch nhưng hiện nghêu đang phát triển rất tốt, hứa hẹn cho vụ thu hoạch khá.

Giá trị kinh tế cao

Mặt khác, hiện nghêu giống đã được cho sinh sản nhân tạo. Do đó, giá nghêu giống năm nay dự đoán chỉ dao động trong khoảng 25-30 đồng/con so với 60-70 đồng/con trước kia. Giá nghêu giống giảm trong khi giá nghêu thịt sẽ ổn định ở mức từ 20-30 ngàn đồng/kg trong thời gian qua là cơ sở để khẳng định con nghêu bãi bồi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Thực tế đã qua cho thấy, nghêu thịt của bãi bồi không phải sợ tình trạng được mùa rớt giá hay đụng hàng với nhiều nơi khác trong khu vực chính là do mùa thu hoạch. Mùa thu hoạch của con nghêu bãi bồi bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau. Vào khoảng thời gian này, nghêu Cần Giờ đã hết mùa (nghêu Cần Giờ sau tháng 10 nếu không thu hoạch sẽ tự chết).

Đồng thời, vào thời điểm này, con nghêu của Gò Công lại gặp phải tình trạng nước đổ từ thượng nguồn về nên giá trị thịt giảm. Ngoài ra, con nghêu của miền Bắc lại chịu thời tiết lạnh nên chất lượng thịt cũng giảm. Ông Sánh khẳng định, nếu được đầu tư bài bản, con nghêu Đất Mũi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện HTX đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết từ việc đóng mốc vùng nuôi của HTX, xây dựng thêm chòi canh cũng như các điều kiện cho vụ nuôi năm 2013-2014. Song song đó, HTX đang kết hợp với Sở NN&PTNT xây dựng dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi nghêu giống ven biển Mũi Cà Mau. Nếu dự án này được thông qua sẽ nhận được sự hỗ trợ trên 2 tỷ đồng từ một tổ chức của Hà Lan.

Đối với phương án sắp xếp lại bãi nghêu Đất Mũi, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thông qua HTX này sẽ quản lý và sắp xếp lại toàn bộ các hoạt động của bãi bồi từ tổ chức khai thác giống cho đến ươm giống và nuôi nghêu thương phẩm.

Đối với việc quản lý hoạt động khai thác giống, HTX tiến hành thành lập tổ, đội theo từng ấp, từng tổ tự quản, đối tượng khai thác là những hộ có cuộc sống khó khăn của xã. Ngoài ra, các xã viên HTX quyết định thời gian, phạm vi, kích cỡ khai thác theo quy hoạch. Người khai thác sẽ được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm lao động của mình.

Đối với dự án bảo vệ và phát triển nguồn nghêu ven biển Đất Mũi hiện nay đã thông qua bước đầu và đang chuyển đi Hà Nội cho chủ đầu tư xem xét. Nếu được thông qua sẽ thành lập đoàn kiểm định thực tế để triển khai.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Nuôi Cá Kèo Ở Bạc Liêu Làm Giàu Từ Nuôi Cá Kèo Ở Bạc Liêu

Vườn Cò là một ấp nghèo của xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Sản xuất chủ yếu của người nông dân ở đây là 1 vụ lúa và 1 vụ tôm, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, trong ấp có một số hộ nông dân làm kinh tế rất thành công (nuôi cá kèo) trong đó có hộ ông Trần Văn Thọ.

24/09/2012
Phòng Trừ Sâu Bệnh Cuối Vụ Lúa Mùa Ở Hải Dương Phòng Trừ Sâu Bệnh Cuối Vụ Lúa Mùa Ở Hải Dương

Hiện nay, rầy nâu và rầy lưng trắng lứa 6 đã gây hại ở 1.625 ha, mật độ trung bình 1.500 - 2.000 con/m2, nơi cao 5.000 - 7.000 con/m2, cá biệt có ổ lên tới hàng vạn con/m2.

24/09/2012
Lãi Lớn Từ Trồng Mía Tím Ở Thanh Hóa Lãi Lớn Từ Trồng Mía Tím Ở Thanh Hóa

Với đầu ra ổn định, trung bình mỗi sào thu về từ 8 – 10 triệu đồng/năm, cây mía tím đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở một số huyện miền tây Thanh Hóa như huyện Bá Thước, Quan Hóa...

24/09/2012
Giá Cá Tra Giảm Xuống Dưới 20.000 Đồng/kg Giá Cá Tra Giảm Xuống Dưới 20.000 Đồng/kg

Cá tra nguyên liệu loại trên 1 kg/con hiện chỉ khoảng 19.500 – 19.700 đồng/kg, mức giá mà các doanh nghiệp chế biến thu mua rất hạn chế. Cùng lúc này, loại cá dưới 800 g/con, giá thu mua khoảng 22.000 – 22.200 đồng/kg (áp dụng cho phương thức mua cá trả tiền chậm), còn nếu trả tiền mặt, chỉ ở mức 20.000 đồng/kg.

26/09/2012
Dân Đổ Xô Nuôi Rắn, Mong Thành Tỷ Phú Ở Hà Nam Dân Đổ Xô Nuôi Rắn, Mong Thành Tỷ Phú Ở Hà Nam

Thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) vốn chỉ là vùng đất thuần nông, nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, người dân đổ xô sang nghề nuôi rắn.

27/09/2012