Hoa Màu Mùa Lũ, Lợi Thế Nhưng Chưa Hiệu Quả

Xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) trồng hoa màu mùa lũ nhiều nhất huyện với diện tích khoảng 400ha, gồm các loại hoa màu như: cải bắp, dưa leo, ớt, hành lá...
Theo bà con nông dân, năng suất hoa màu năm nay tương đối khá nhưng giá cả bấp bênh, đặc biệt là càng gần cuối vụ, một số loại hoa màu như hành lá, ớt, bắp lai rớt giá nên bà con có lãi ít, thậm chí một số diện tích phá huề.
Vụ này ông Phan Văn Tâm ở ấp Long Hậu, canh tác 6 công đất với 2 loại màu chủ lực gồm hành lá và bắp lai đến nay đã thu hoạch xong nhưng lợi nhuận thấp.
Ông Tâm cho biết: “Hành lá thu hoạch được khoảng 2 tấn/công, nhưng chi phí hơi cao, nên sau khi bán chỉ đủ tiền phân và các chi phí khác. Bắp cũng không khá, bán được 7 triệu đồng/công nhưng thương lái xin bớt 2 - 3 triệu đồng vì họ đi bán không có lời”.
Tại vùng sản xuất rau an toàn xã Long Thuận, giá cả các mặt hàng chủ lực của địa phương vẫn không mấy khả quan. Theo ông Trần Thanh Phú - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn xã Long Thuận, vụ màu mùa lũ năm nay, diện tích sản xuất 140ha của HTX quản lý đã thu hoạch cơ bản. Trong đó, các loại hoa màu chủ yếu là hành lá và củ cải trắng xuất bán trên thị trường giá không cao.
Khó khăn hiện nay của HTX là chưa tìm được thị trường liên kết sản phẩm do chi phí vận chuyển cũng như đối tác đặt hàng số lượng còn hạn chế, nên sản phẩm làm ra chủ yếu là tự tiêu thụ.
Chính từ cách làm tự sản tự tiêu nên việc cung ứng sản phẩm ra thị trường của nông dân vùng rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù hoa màu mùa lũ tương đối hút hàng so với những vụ sản xuất còn lại nhưng giá cả vẫn do thương lái quyết định.
Ông Kha Văn Liến - Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết: “Hơn nửa tháng qua, giá mặt hàng rau củ không cao do thị trường Campuchia ít tiêu thụ, ảnh hưởng phần nào đến đầu ra của bà con. Hiện nay, bà con đã thu hoạch 70% diện tích mà giá quá thấp, từ đó lợi nhuận của bà con không nhiều, thậm chí là lỗ”.
Vụ màu mùa lũ năm nay, toàn huyện Hồng Ngự xuống giống được gần 1.500ha ở các xã cù lao: Long Khánh A, Long Khánh B, Long Thuận, Phú Thuận A và Phú Thuận B. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được gần 1.200ha, đạt 80% diện tích xuống giống.
Nếu mọi năm, vụ màu mùa lũ phần lớn có giá, giúp bà con thu lợi nhuận khá thì năm nay giá cả hoa màu mùa lũ cũng bấp bênh như thời điểm chính vụ. Ngoài ra do lũ về thất thường, một số diện tích trồng màu ở khu vực bãi bồi bị nước lũ nhấn chìm gây thiệt hại cho một số hộ sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Tại chợ Chắc Cà Đao (thị trấn An Châu, Châu Thành - An Giang) các tiểu thương bán cá rô đồng dính lưới 3 phân (cỡ khoảng 2 ngón tay/con), với giá 100.000 đồng/kg. Đây là loại cá rô được dân nghèo giăng lưới đánh bắt trong mùa nước nổi.

Nuôi cá rô đầu vuông là một trong những mô hình kinh tế mới của xã vùng cao Quảng Lợi (Đầm Hà, Quảng Ninh), thời gian qua với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quảng Ninh, Đoàn Thanh niên và Hội nghề cá huyện Đầm Hà, mô hình nuôi (bán thâm canh) cá rô đầu vuông thương phẩm đã được thực hiện thành công, mang hiệu quả kinh tế cao.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.

Đó là anh Nguyễn Mộng Hùng, ở thôn Trà Sơn, xã Tây An (huyện Tây Sơn - Bình Định). Từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Hùng đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi gà. Trang trại của anh có diện tích 1 ha, nuôi trên 4.000 con gà, cùng hệ thống lò ấp. Anh Hùng nuôi gà theo kiểu bán công nghiệp, vừa nuôi chuồng vừa nuôi thả. Hệ thống chuồng nuôi được xây dựng quy mô, bài bản, có hệ thống chiếu sáng và cung cấp nước tự động, luôn duy trì nhiệt độ phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh cho gà.

Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường.