Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Mồng Tơi Lấy Hạt

Qua nắm bắt thông tin về mô hình trồng mồng tơi lấy hạt ở huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn Mỹ là nông dân chuyên canh màu ở ấp Tân Hậu B2, xã Long An, TX Tân Châu, tỉnh An Giang đã mạnh dạn xuống giống trồng mồng tơi lấy hạt với diện tích 2.000 m2 và có ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá thu mua hạt mồng tơi: 70.000 - 120.000đồng/kg hạt khô.
Sau 12 tháng canh tác với tổng chi phí là 76.000.000 đồng và thu hoạch với năng suất: 2 tấn hạt khô, ông Mỹ đã thu được lợi nhuận: 120.000.000 đồng trên 2.000 m2 diện tích, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình khoảng 10.000.000 đồng/tháng.
Theo ông Mỹ: “Mồng tơi rất dễ trồng, ít tốn phân, thuốc BVTV. Nếu đất mới trồng mồng tơi lần đầu thì hầu như không có sâu bệnh xảy ra. Chi phí đầu tư cho 1.000 m2 trồng mồng tơi lấy hạt tương đối cao so với các loại cây trồng khác (khoảng 38.000.000 đồng)”.
Qui trình kỹ thuật trồng mồng tơi được ông Mỹ tiến hành như sau: 1kg hạt giống gieo trồng cho 1.000 m2. Ông gieo hạt giống trong bầu đất khoảng 20 ngày rồi lấy cây con ra trồng ngoài đồng. Qui cách trồng: Hàng cách hàng là 1,1m, cây cách cây 40cm.Sau khi trồng, khoảng 15 - 20 ngày thì bón phân 1 lần với liều lượng: 8 - 10kg phân Urê hiệu Việt Nhật. Đối với sâu bệnh, cách 4 ngày xịt NOVO phòng trừ Bọ hút gây hại. Trong quá trình phát triển của hạt nếu thiếu dinh dưỡng hạt rất dễ bị rụng nên lúc cây ra hạt nên chú ý xịt Canxi-Bo nhằm mục đích nuôi hạt, tránh tình trạng rụng bông.
Hiện nay trên địa bàn xã Long An có hơn 20 hộ trồng mồng tơi lấy hạt, mô hình này đã cải thiện mức sống gia đình của nông dân trồng màu ở địa phương ngày càng khấm khá hơn. Mô hình trồng mồng tơi lấy hạt được xem là hướng đi mới của người dân trồng màu xã Long An trong năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Giá khoai lang tím đang tăng cao tạo thu nhập tốt cho nông dân. Nhằm tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thêm nhiều thị trường khác khiến cho việc xuất khẩu khoai lang tím ngày càng rộng mở.

Nông dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đang tất bật bước vào vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2014 với những nỗi lo vốn đã tồn tại nhiều năm nay: thiếu con giống chất lượng, diễn biến thời tiết bất thường, nguy cơ dịch bệnh và giá cả vật tư đầu vào tăng cao.

Ngày 12/2, Điện lực Cái Nước (Cà Mau) tiến hành nâng công suất trạm biến áp tuyến kênh Ba Vinh, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ để phục vụ nuôi tôm công nghiệp cho bà con nông dân.

Cứ tưởng trên núi cao, rừng thẳm, người dân chỉ có cách chống đói, thoát nghèo dựa vào đất đai, lâm sản… nhưng thật bất ngờ, ông Hà Văn Vận, người dân tộc Mường ở thôn Sui Quan, xã Khánh Thượng (Ba Vì - Hà Nội) đã “phát tài” nhờ nuôi cá tầm.

Sau Tết Nguyên đán năm 2014, gió biển hoạt động khá mạnh. Độ mặn của nước biển tăng cao. Hộ dân ở các xã ven biển Đông đã khởi động chuyến ra khơi, vụ nuôi trồng thủy sản mới. Riêng các hộ dân nuôi sò băn khoăn: đầu tư mua sò giống của các tỉnh về nuôi hay tiếp tục để “treo” sân.