Hiệu Quả Kinh Tế Mô Hình Dưa Hấu Mặt Trời Đỏ Không Hạt

Vụ Xuân 2013, Trạm Khuyến nông Việt Yên phối kết hợp với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Syngenta Việt Nam và UBND xã Tự Lạn xây dựng mô hình trồng dưa hấu mới với quy mô 2,7 ha tại thôn Tân Lập. Mô hình được trồng bằng giống dưa Mặt trời đỏ, Phù Đổng và giống K09 làm đối chứng.
Ngay từ đầu vụ, Trạm khuyến nông đã phối hợp với các công ty tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa hấu Mặt trời đỏ không hạt và một số giống dưa hấu mới. Trạm Khuyến nông cử cán bộ thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật. Mô hình áp dụng trồng theo hai phương pháp: Trồng giàn và trồng bò trên mặt ruộng. Mật độ trồng 400 cây/sào; hàng cách hàng 2,5-2,7m, cây cách cây 35-40cm; làm luống rộng 2,7-3m, cao 30-40cm. Mặt luống phủ nilon nhằm hạn chế cỏ dại, tránh mưa và giữ ẩm thường xuyên cho cây (áp dụng cho phương pháp trồng bò). Đối với phương pháp trồng làm giàn thì mật độ trồng 600 cây/sào, trồng hàng đơn, cây cách cây 30-35cm; làm luống rộng 70-80cm, cao 30-40cm và phủ nilon. Trong quá trình chăm sóc cả hai phương pháp, nông dân đều phải thực hiện một số biện pháp kỹ thuật như: Bón phân, làm cỏ, ngắt ngọn, định vị ngọn, chọn hoa, lấy phấn, tuyển quả và phòng trừ sâu bệnh. Riêng với phương pháp trồng giàn cần phải làm giàn và buộc dây đỡ quả.
Thực tế cho thấy, vụ Xuân năm nay diễn biến thời tiết không thuận lợi cho các cây mầu sinh trưởng và phát triển. Tỷ lệ nảy mầm của giống dưa hấu Phù Đổng cao nhất đạt 98%, hai giống Mặt trời đỏ và K09 là tương đương nhau từ 87-90%. Hai giống dưa Mặt trời đỏ và Phù Đổng đều được gieo, trồng cùng thời điểm, còn giống đối chứng K09 trồng đại trà được gieo, trồng sau khoảng từ 6-7 ngày nhưng đến khi thu hoạch lại cho thu cùng và có phần sớm hơn. Điều này cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống Mặt trời đỏ dài hơn giống Phù Đổng từ 4-6 ngày và dài hơn giống K09 từ 9-10 ngày. Qua đánh giá của người dân cho thấy: Phương pháp trồng bò của hai giống dưa cho năng suất tương đương nhau. Riêng giống dưa Mặt trời đỏ trồng theo phương pháp làm giàn cho năng suất khoảng 170 quả/sào; trọng lượng quả trung bình là 3,6 kg, cao hơn giống Phù Đổng và K09 là 0,6 kg/quả. Năng suất thu được đối với giống Mặt trời đỏ trồng giàn thu được trên 2 tấn quả/sào, trồng theo phương pháp bò đạt khoảng 1,4 tấn quả/sào, còn lại giống Phù Đổng và K09 năng suất chỉ đạt 1,2 tấn quả/sào. Ước tính hiệu quả kinh tế của 1 sào giống dưa Mặt trời đỏ và dưa Phù Đổng lãi từ 11-14 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí sản xuất, cao hơn giống đối chứng từ 1,5-2 lần.
Đây là năm đầu tiên hai giống dưa Mặt trời đỏ và giống dưa Phù Đổng được trồng trên địa bàn huyện Việt Yên nhưng đã bước đầu khẳng định được tiềm năng về năng suất và hiệu quả kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh (Bình Định) vừa tổ chức hội nghị tổng kết mô hình vỗ béo bò trước khi xuất bán tại xã Canh Hiển.

“Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi không chỉ được vay vốn hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất mà còn được vay cả vốn cho con đi học đến nơi đến chốn” - chị Nguyễn Minh Khuyến, thôn Dĩnh Tân, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang thổ lộ.

Đó là ý kiến của ông Trần Duy Thanh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2015 - 2020, Quảng Nam tập trung phát triển hai sản phẩm đặc trưng là sâm Ngọc Linh và ô tô, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thiếu cơ sở hạ tầng, dự án lớn, món vay nhỏ, địa bàn rộng, chính sách nông nghiệp bất cập lẫn việc có quá nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường nông nghiệp, nông thôn nên lượng vốn tín dụng đầu tư vào khu vực này vẫn không đạt như ý muốn của giới ngân hàng.