Giỏi kỹ thuật, nhà nông thành tỷ phú

Bất kỳ mùa nào, làng hoa cây cảnh xã Bình Kiến (Tuy Hòa) cũng xanh mát với những dải vườn được bà con chăm tưới. Nghề trồng mai, quất, hồng, cúc, vạn thọ... phát triển mạnh mẽ trong khoảng 20 năm qua đã biến vùng đất nghèo trở nên trù phú.
Nông dân kỹ thuật
Gia đình ông Trần Văn Chín (40 tuổi, ở thôn Phú Vang, Bình Kiến), từ nhà diện nghèo cách đây mươi năm, hiện có thu nhập 300 triệu đồng/năm từ nghề trồng mai, quất; là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông Chín nhớ lại, khi cưới vợ, cha mẹ ông cho 5 sào đất để lập nghiệp. Thế nhưng vùng cát pha này trồng hoa màu không mấy kết quả, ông chuyển sang trồng cây hoa cảnh. Không có vốn đúc chậu, ông đã được Hội Nông dân xã tín chấp vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng. 100 chậu mai những năm đầu đối với ông là một thử thách. Bởi cái khó không chỉ vốn đầu tư, mà khó nhất là kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng. Lân la tự học, rồi ông theo bám các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa kiểng. Rồi tích góp, vay thêm vốn để mở rộng, vườn nhà ông thường xuyên có trên 1.000 chậu mai, quất. Không chỉ dịp tết, ông Chín xuất bán quanh năm các loại mai lá.
Theo ông Chín, bán mai lá tuy không đậm tiền bằng mai ra hoa nhưng có đầu ra quanh năm. Giá mai lá từ vườn lúc này là 400.000 - 500.000 đồng/chậu, mỗi năm ông bán 200 - 250 chậu là có 100 triệu đồng. “Phải canh cho hoa nở đúng kỳ, chủ động bắt tay với thương lái, nắm kỹ nóng lạnh thị trường là có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng. Cây mai tết có cái lợi là nếu không bán được thì để lại tiếp tục chăm, giá trị cây hoa càng tăng cao. Gần 10 năm nay, tôi nhập nhiều giống quất, chanh cảnh mới về trồng, mỗi năm chiết ghép khoảng 4.000 chậu để cung cấp cho các nhà vườn. Làm cây giống ít tốn diện tích đất, tính ra 1m2 đất tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng/năm”.
Nắm bắt nhu cầu thị trường
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến, nghề trồng hoa cây cảnh không quá khổ nhọc nhưng đòi hỏi sự cần cù, chịu khó học hỏi và linh hoạt với thị trường. “Vùng này, nông dân triệu phú đi đầy đường. Danh sách nông dân sản xuất giỏi của xã, có thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng, hiện đã trên 1.500 hộ. Thế nhưng nghề hoa cảnh cũng chẳng dễ dàng gì, phải miệt mài chăm tưới, phải ngày càng hoàn thiện kỹ thuật, mới có được những chậu cây hoa có giá trị. Anh thấy đó, ở đây không có mét đất nào bỏ hoang”- bà Lan cho hay.
Cũng theo bà Lan, nông dân địa phương đã gặp không ít trắc trở để chuyển từ kiểu làm ăn tự cung tự cấp sang kiểu làm nông sản hàng hóa. Ban đầu, bà con làm theo phong trào, kiểu “thấy người ta làm thì mình cũng làm”. Thế nhưng rồi qua thử thách với thị trường, người dân mỗi vùng thổ nhưỡng đều chọn ra cây, con thế mạnh của mình. Ví như vùng bán sơn địa thì định hình các trang trại trồng cây ăn quả, nuôi bò; vùng cát ven biển thì trồng hoa cảnh; vùng dọc Quốc lộ 1 thì tập trung các nghề gỗ mỹ nghệ, kinh doanh dịch vụ... “Nhiều hộ nông dân bây giờ đang chủ động tìm nguồn giống và kỹ thuật trồng các loại cây hoa mới. Họ biết rằng phải làm đa dạng các loại cây hoa thì mới tìm thêm được thị trường, tránh các đợt khủng hoảng thừa, phải chấp nhận bán sản phẩm giá rẻ”- bà Lan cho biết thêm.
Ông Hồ Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa nhìn nhận: “Điểm nhấn kinh tế của các xã ven đô Tuy Hòa là chuyên canh hoa cây kiểng và rau màu. Các làng nghề truyền thống sinh vật cảnh luôn có sự nối tiếp đội ngũ nghệ nhân có tay nghề, thường xuyên giao lưu học hỏi để nâng cao giá trị sản phẩm. Đất không thể sinh sôi nên bà con nông dân xác định phải tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường để thu lợi cao nhất trên từng mét vuông. Bình Kiến trở thành xã đầu tiên của tỉnh đạt 19 tiêu chí, đang đề nghị công nhận xã NTM”.
Có thể bạn quan tâm

Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.

Qua 2 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) đã xây dựng 11 mô hình sản xuất nhân giống lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản; thành lập 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với 398 lao động tham gia.

Phú Yên đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc ở một số xã. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các ngành chức năng đã cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên lại rất khó kiểm soát phân bò khi nó đang là mặt hàng được mua bán khá rộ.

Những năm gần đây, nông dân các xã Phước Long, thị trấn Phước Long, Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) mở rộng diện tích trồng màu và phát triển mô hình đa canh trên đất bờ bao vuông tôm. Việc làm này vừa hạn chế cỏ mọc xung quanh bờ bao, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Để giảm thiểu tác động xấu do tình trạng nhiễm mặn gây thất thu cho nghề trồng lúa, nông dân xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chuyển sang nuôi bò, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.