Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giảm Mục Tiêu Xuất Khẩu Gạo Chính Ngạch

Giảm Mục Tiêu Xuất Khẩu Gạo Chính Ngạch
Ngày đăng: 14/05/2014

Đến hết tháng 4, nhận thấy tình hình XK kém khả quan, VFA đã hạ chỉ tiêu XK chính ngạch xuống khá nhiều.

Tuy đã thắng thầu toàn bộ 800 ngàn tấn gạo XK sang Philippines từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, nhưng đến giờ này, nhìn chung XK gạo chính ngạch của nước ta vẫn đang tiếp tục gặp những khó khăn lớn về mặt thị trường.

Theo VFA, Châu Phi vốn là thị trường ổn định và lớn thứ 2 của Việt Nam trong những năm qua, giờ đây đang giảm sút mạnh do bị gạo Thái Lan giành giật thị phần.

Do vẫn cần có đủ tiền để trả nợ nông dân và giảm bớt lượng gạo tồn kho đã bắt đầu xuống cấp, Thái Lan vẫn đang tìm mọi cách đẩy mạnh XK gạo, kể cả bán với giá thấp hơn sang Châu Phi. Do đó, không chỉ gạo Việt Nam mà gạo Ấn Độ cũng đang mất đi khá nhiều thị phần ở châu Phi trước sự cạnh tranh của gạo Thái Lan.

Ở châu Á, một số thị trường truyền thống của gạo Việt Nam trong nhiều năm qua, hiện cũng đã quay sang mua gạo của Thái Lan. Hầu hết nhu cầu gạo NK của Malaysia trong năm nay, đã được nước này ký hợp đồng mua từ Thái Lan.

Ngay cả ở Philippines, nơi Việt Nam đã thắng thầu toàn bộ 800 ngàn tấn gạo trong đợt đấu thầu tháng 4 vừa rồi, vẫn đang tiếp tục được Thái Lan mời chào, thúc đẩy thương mại gạo giữa 2 Chính phủ.

Do các thị trường XK bị suy giảm mạnh, nên lượng gạo đã XK trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,751 triệu tấn, giảm tới 18,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước bối cảnh khó khăn về mặt thị trường, VFA cũng đã định hướng XK gạo chính ngạch trong cả năm nay chỉ còn khoảng 6,2 triệu tấn (quý 1 đã được 1,219 triệu tấn, dự kiến XK quý 2 và quý 3 đều ở mức 1,8 triệu tấn, quý 4 dự kiến 1,4 triệu tấn).

Như vậy, so với định hướng XK 6,5-7 triệu tấn được đưa ra hồi đầu năm nay, thì định hướng mới của VFA đã giảm đi ít nhất là 300 ngàn tấn.

Nhờ nhu cầu lớn của Trung Quốc, cũng như hoạt động XK gạo tiểu ngạch sang nước này, nên dù năm nay, dự báo XK chính ngạch sẽ tiếp tục giảm mạnh, nhưng lúa gạo hàng hóa trong nước vẫn có thể được tiêu thụ hết.

Trong bối cảnh thị trường như trên, việc XK gạo Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Trong tháng 4, lượng gạo Việt Nam giao cho khách hàng nước ngoài qua đường chính ngạch là 536.806 tấn, thì có tới 60% là đi Trung Quốc. Nếu cộng cả XK tiểu ngạch (chưa thể tính được số lượng cụ thể, thì tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn nhiều).

Bởi vậy, theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, Trung Quốc đã trở thành thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 năm qua và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới, do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi, đặc biệt là XK qua biên giới, bù đắp sự sút giảm từ các thị trường khác do cạnh tranh của Thái Lan. XK qua biên giới Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước.

Điều đáng chú là là tuy Việt Nam và Trung Quốc đang căng thẳng trên Biển Đông, nhưng XK gạo qua đường tiểu ngạch sang biên giới phía Bắc vẫn bình thường, thậm chí đã bắt đầu sôi động trở lại nhờ sự “nhẹ tay” hơn của các cơ quan chức năng đối với những xe chở gạo quá tải trọng.

Một doanh nhân chuyên buôn bán gạo từ Hải Phòng lên biên giới phía Bắc (xin không nêu tên), cho hay, với riêng mặt hàng gạo, đã có sự nhẹ tay hơn đáng kể so với thời điểm sau ngày 1/4, tức là cho phép chở quá tải nhưng với mức độ quá tải không được nhiều như từ tháng 3 trở về trước.

Cụ thể, một xe đầu kéo 25 tấn trước ngày 1/4 có thể chở tới 75-80 tấn gạo, sau khi kiểm tra tải trọng, chỉ còn được chở đúng tải là 25 tấn, nay đã có thể nới lên khoảng 40-50 tấn. Nhờ đó, hàng loạt tàu gạo ùn ứ ở các cảng tư nhân trên địa bàn Hải Phòng sau ngày 1/4, đến nay đã được giải phóng hết, giá gạo từ Hải Phòng đưa lên biên giới cũng đã tăng khoảng 300-600 đ/kg.

Do XK gạo qua biên giới đang quá quan trọng đối với tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở nước ta, nên cũng theo VFA, xu hướng giá gạo Việt Nam sắp tới sẽ phụ thuộc vào sự biến động giá ở thị trường Trung Quốc, nhất là XK qua biên giới.

Dự báo giá sẽ ổn định trong tháng 5 và ngay cả tháng 6, trước khi sút giảm do kết hợp nhu cầu yếu từ Trung Quốc (bắt đầu thu hoạch) và thu hoạch vụ Hè Thu trong nước từ tháng 7, làm tăng áp lực giảm giá


Có thể bạn quan tâm

9.000ha Lúa Bị Hạn Và Thiếu Nước Ở Thanh Hóa 9.000ha Lúa Bị Hạn Và Thiếu Nước Ở Thanh Hóa

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, những đợt nắng nóng liên tiếp kéo dài, trong nhiều ngày không mưa đã khiến cho mực nước ở các sông, suối, hồ… ở Thanh Hóa sụt giảm nghiêm trọng.

11/05/2012
Giống Lúa Nàng Xuân Và Nếp Lang Liêu Giống Lúa Nàng Xuân Và Nếp Lang Liêu

Mô hình đang được thực hiện với 50ha gieo cấy giống lúa Nàng Xuân và 1,5ha gieo cấy giống lúa nếp Lang Liêu tại 2 xã Tư Mại và Thắng Cương. Qua tham quan đầu bờ, các đại biểu đánh giá cao những ưu điểm vượt trội của 2 giống lúa này so với giống đối chứng Khang dân 18 như thời gian sinh trưởng tương đương với Khang dân, khả năng kháng bệnh khá, chống đổ tốt và hiệu quả kinh tế cao

26/07/2011
Khai Thác Thế Mạnh Nuôi Lợn Rừng Lai Ở Vùng Lòng Hồ Sông Đà Khai Thác Thế Mạnh Nuôi Lợn Rừng Lai Ở Vùng Lòng Hồ Sông Đà

Xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình) cách thị trấn Đà Bắc gần 10 km nằm chênh vênh trên lòng hồ. Xóm có 76 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống dựa vào trồng ngô, sắn, trồng rừng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những nghề trên, việc phát triển chăn nuôi được bà con chú trọng bởi lợi thế gần rừng có nhiều nguồn thức ăn. Hầu hết các hộ trong xóm đều chăn nuôi từ 1 - 2 con đến hàng chục con lợn. Giống chủ yếu là lợn lai, lợn địa phương với hình thức bán chăn thả. Nhận thấy lợi thế, thời gian qua, Dự án AFAP đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn địa phương. Dự án đã đầu tư cho xóm 11 con lợn giống (9 con lợn địa phương và 2 con lợn rừng) cho 9 hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm.

11/05/2012
Thanh Hóa: Gồng Mình Chống Hạn Thanh Hóa: Gồng Mình Chống Hạn

Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.

12/05/2012
Ngô, Lạc Mất Mùa Vì Hạn Ở Nghệ An Ngô, Lạc Mất Mùa Vì Hạn Ở Nghệ An

Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.

12/05/2012