Doanh Nghiệp Chế Biến Cà Phê Bột Từng Bước Nâng Cao Hiệu Quả Sản Xuất, Kinh Doanh

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp tham gia chế biến cà phê bột. Tuy còn sản xuất ở quy mô nhỏ nhưng các cơ sở đã sớm đầu tư máy móc, công nghệ, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) thì thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cà phê bột trên địa bàn phát triển, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động cụ thể.
Trong đó, ngoài việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, trung tâm cũng đã vận động, thông báo cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở trong và ngoài tỉnh.
Qua đó, các doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp cận với thị trường, công nghệ mới và xác định được hướng đầu tư phát triển phù hợp với khả năng của mình…
Thực tế cho thấy, nhờ nhận thức đúng đắn về khả năng tài chính, cũng như hiểu rõ về thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp chế biến cà phê bột trên địa bàn tỉnh đã từng bước xây dựng được kế hoạch phát triển tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử như ở Công ty TNHH Hoàng Phát (Đắk Mil), được thành lập cách đây gần 7 năm, từ một cơ sở sản xuất thủ công, số lượng ít, thị trường nhỏ, đến nay, doanh nghiệp đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Ngoài việc tập trung đầu tư máy móc, công nghệ rang, xay vào quá trình sản xuất, doanh nghiệp cũng đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, uy tín cho sản phẩm hàng hóa.
Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đã được nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ hai lần về đầu tư máy móc, thiết bị và quảng bá, phát triển thương hiệu cà phê “Hoàng Gia Phú”.
Sản phẩm đang được người tiêu dùng đánh giá cao, với hương vị thơm ngon, mẫu mã đẹp, đa dạng. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã được phân phối tới hầu hết các điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh và tiếp cận tới thị trường tiềm năng ở khu vực phía Bắc. Hàng năm, doanh thu bình quân của doanh nghiệp đạt gần 1,5 tỷ đồng…
Còn sản phẩm cà phê “Hà Tiên Phát” của Công ty TNHH MTV Hà Tiên Phát ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cũng vậy. Ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai…, sản phẩm cà phê bột của doanh nghiệp cũng đang được xuất khẩu sang thị trường Campuchia với sản lượng là hơn 3 tấn/tháng.
Ông Lê Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Tiên Phát cho biết: “Để mở rộng quy mô sản xuất, trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng thêm một xưởng chế biến mới với công suất khoảng 1 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ thiết kế thêm một số kiểu dáng mới dưới dạng hộp, lon… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn nữa tới nguồn nguyên liệu cũng như công nghệ chế biến. Hướng xa hơn nữa là doanh nghiệp sẽ đưa sản phẩm của mình tiếp cận sang thị trường của nước bạn Lào…”.
Tương tự, năm 2011, Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Nguyên (Chư Jút) cũng đã được đề án khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào trong chế biến cà phê bột. Nhờ đó, đơn vị đã có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng lực lao động và nhất là tăng năng suất chế biến từ 15 tấn lên 40 tấn/năm.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu đang được công ty tận dụng tại địa phương. Sản phẩm cà phê cũng đang được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ngoài chất lượng tốt, cà phê Hương Nguyên còn có mẫu mã bao bì đẹp, ấn tượng, sáng tạo. Trong đó, điểm nhấn màu vàng của bao bì có màu sắc khác với màu truyền thống của các sản phẩm đối thủ cạnh tranh nên dễ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Hiện tại, doanh nghiệp cũng đang tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng…
Cũng theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thì thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu đầu tư, phát triển để có hướng hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua các đề án khuyến công. Bên cạnh đó, các cơ sở công nghiệp cũng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đầu tư máy móc, công nghệ, trình độ quản lý để phát triển bền vững trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Để ngành nông nghiệp thực sự là một trong những ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc “làm mới” nông nghiệp đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó không thể chấp nhận kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún mà phải chuyển sang mô hình lớn, hoạt động tập thể; đồng thời phải đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất. Có như vậy ngành nông nghiệp mới thực sự là “tứ trụ” trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Vì vậy, dồn điền đổi thửa là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh (chương trình) sau 4 năm triển khai, thực hiện đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo xã Nghĩa Lâm xác định, mấu chốt của xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng NTM vẫn là làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được tốt hơn. Từ đó, xã đã tập trung nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho hộ dân, đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương.

Anh em bạn chài ở trong đó cứ gọi điện thúc giục, báo tin biển đang có cá nên cho tàu vào sớm để ra khơi. Mỗi chuyến biển của tàu hành nghề lưới vây ở phía nam chỉ tốn khoảng trên dưới 50 triệu đồng tổn phí nên chủ tàu cũng đỡ lo. Năm 2014, tàu anh Quỳnh liên tục bám biển ở các ngư trường phía nam, phía bắc đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí mỗi bạn chài kiếm được 70 đến trên 100 triệu đồng.

Xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị) là địa phương nằm sát thị xã Quảng Trị gồm 4 thôn, có diện tích tự nhiên hơn 258 ha với 998 hộ. Trong những năm qua, nhất là mấy năm trở lại đây sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt của xã thay đổi từng ngày.