Dê Núi Quất Sơn

Sau gần chục năm nuôi dê, anh Lê Văn Hồng, thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có thu nhập cao từ loài vật này.
Trước đây, anh Hồng từng nuôi chim bồ câu và thỏ nhưng bị thiệt hại do dịch bệnh. Năm 2006, biết người dân xã Huyền Sơn (Lục Nam) phát triển mô hình nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao nên anh học làm theo. Ban đầu, anh mua 10 con dê giống với tổng số tiền 13 triệu đồng. Được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận, đàn dê nhanh chóng sinh sôi. Có thời điểm, tổng đàn lên đến 300 con, còn thông thường có 140 - 170 con.
Theo anh Hồng, nuôi dê không tốn nhiều chi phí bởi chúng ăn tạp, chủ yếu là cỏ và lá cây. Nhà ở gần núi Quất Sơn, sáng sáng anh đưa dê lên núi chăn thả, tối lại lùa về, nguồn thức ăn trong núi dồi dào nên không phải bổ sung thức ăn tinh.
Để đàn vật nuôi khoẻ mạnh, anh chú trọng khâu phòng dịch bệnh. Ngoài tiêm phòng vắc xin, anh thường xuyên quan sát, biết sớm con nào ăn ít hoặc bị ốm để chữa chạy kịp thời. Chuồng trại có sàn gỗ làm cao hơn mặt đất khoảng một mét, luôn sạch sẽ, vào mùa đông được che chắn tránh gió lùa.
Được biết, trung bình một năm dê đẻ hai lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Hiện giá dê hơn 100 nghìn đồng/kg. Xuất chuồng khi đạt trọng lượng 30 kg/con (từ 6-7 tháng tuổi), bình quân mỗi con cho lãi khoảng 3 triệu đồng. Ba năm gần đây, gia đình anh Hồng thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi, anh Hồng trồng dứa trái vụ để tăng thu nhập. Nhờ mạnh dạn, năng động trong sản xuất, gia đình người chăn dê ở núi Quất Sơn đã có vốn tích luỹ để xây dựng nhà cửa, cải thiện cuộc sống.
Hiện nay, dê thịt đang rất được ưa chuộng bởi có nguồn dinh dưỡng cao, thương lái trong tỉnh và ngoài tỉnh đến tận nhà thu mua. Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng mình, anh Hồng còn cung cấp con giống, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con trong thôn. Nhiều gia đình đã chuyển từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sang nuôi dê và thu được lợi nhuận khá.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.

Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.

Nghề nuôi cá mú lồng dọc cửa sông Đầm đã có từ nhiều năm nay, và thực tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Thế nhưng, nhiều ngày nay cá chết hàng loạt khiến nông dân khốn đốn…