Điều ghép hiệu quả gấp 3

Phương pháp hữu ích
Kết quả trên được nhóm chuyên gia do TS. Hoàng Quốc Tuấn, nguyên GĐ Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp (Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp miền Nam) đứng đầu, tiến hành khảo sát và đánh giá tại 3 hộ thực hiện ghép cải tạo vườn tại xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Theo ông Tuấn, nhóm các chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về điều (từ năm 1980) nhận thấy có trách nhiệm phải làm sáng tỏ các ý kiến của cá nhân và tổ chức còn phân vân về tính bền vững của mô hình ghép cải tạo vườn điều; đồng thời cung cấp những thông tin trung thực trên cơ sở số liệu định lượng thu nhận từ thực tế và rút ra nhận định, đánh giá khách quan về thực trạng mô hình.
Cụ thể, nhóm chuyên gia đã khảo sát tại 3 vườn điều được chủ hộ mua lại của người dân địa phương, vườn điều trồng từ năm 1991 - 1996, đến nay có độ tuổi từ 9 - 15 năm (100% trồng bằng cây thực sinh không nguồn gốc).
Trong 3 vườn này, tổng cộng có 1.007 cây điều đã được ghép chồi từ năm 2001 - 2013. Tại thời điểm khảo sát, chỉ có duy nhất 1 cành (chồi) ghép bị chết trên tổng số 5.035 chồi (chiếm 0,02%).
Thực tế này cho thấy, các lo ngại như cành ghép dễ gãy đổ, sâu đục thân gây hại và mùa vụ năm được năm mất chưa xảy ra và không có căn cứ. Quan sát lớp vỏ vết ghép của tất cả các chồi cũng đã hoàn toàn phủ kín giữ chồi và cành ghép.
Chồi ghép có đường kính từ 10 - 15 cm, khỏe mạnh, hoàn toàn thay thế cành của cây điều cũ. Tại thời điểm tháng 4/2015, các chồi ghép đã ra nhiều hoa và sai quả với hạt to hơn hẳn cành điều cũ.
Khảo sát cũng cho thấy, các chỉ tiêu tài chính - kinh tế sau khi ghép và đầu tư áp dụng kỹ thuật thâm canh mang lại hiệu quả cao hơn so với trước, cụ thể: Năng suất điều đạt trên 3 tấn/ha (gấp 3 lần); Tổng giá trị sản lượng hạt điều bình quân 1 ha đạt trên 81 triệu đồng, gấp 3,24 lần (tăng thêm 56 triệu đồng); Thu nhập bình quân trên 1 ha điều ghép đạt trên 60 triệu đồng, gấp 4,6 lần (tăng thêm 47 triệu đồng/ha).
Đặc biệt, cành (chồi) ghép chỉ cần thời gian sau 18 tháng đã ra hoa kết quả (chỉ bằng1/2 thời gian so với trồng tái canh) và trong suốt thời gian đó nông dân vẫn có thu nhập bởi cành điều cũ vẫn cho thu hoạch.
Nhân rộng
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, kết quả khảo sát đánh giá đã cho thấy ghép cải tạo vườn điều là một trong các giải pháp phát triển điều bền vững, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Vì thế, sắp tới Vinacas sẽ chuyển qua giai đoạn 2 chương trình đồng hành cùng nông dân trồng điều (Dự án khuyến nông của Vinacas). Theo đó, sẽ có thêm 80 - 100 mô hình được Vinacas tiến hành hỗ trợ thực hiện ghép cải tạo vườn điều, với kinh phí 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinacas sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi hội thảo, mở thư viện Online, sách hướng dẫn về ghép cải tạo vườn điều để nông dân tiếp cận thông tin, tạo sức lan tỏa nhanh. Đặc biệt, mô hình “Phương pháp ghép chồi cho cây điều” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) ban hành quyết định (số 8717/QĐ-SHTT ngày 6/2/2015) chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký sáng chế, làm cơ sở để đưa phương pháp ghép cải tạo vườn điều hữu hiệu này đến với bà con nông dân.
Theo các chuyên gia, ghép cải tạo vườn điều sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh, giảm tình trạng chặt và tăng sản lượng điều trong nước, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển vùng điều nguyên liệu (ổn định 300.000 ha); khai thác hiệu quả các cơ sở chế biến, đảm bảo ngành điều phát triển bền vững.
Đặc biệt, cây điều trồng chủ yếu ở vùng sâu, vùng biên giới, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi ghép điều mang lại hiệu quả sẽ góp phần đảm bảo giữ gìn ổn định chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, thực hiện có kết quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
TS. Hoàng Quốc Tuấn: Ghép cải tạo vườn điều tuân thủ nguyên tắc tự nguyện của nông hộ trong lựa chọn áp dụng phương pháp ghép và chọn cây mẹ lấy chồi ghép. Hơn nữa, phương pháp ghép điều do lao động chính của nông hộ được huấn luyện, đào tạo thành thạo về kỹ thuật đảm nhận với sự hỗ trợ, giám sát tư vấn của các chuyên gia và Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông. Quá trình ghép cải tạo không nóng vội, phải tuân thủ đúng các bước chọn vườn điều, cây điều hội đủ các tiêu chí mới tiến hành ghép. |
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 42,3% số dự án đã, đang triển khai thực hiện và đi vào hoạt động. Số dự án còn lại hiện đang gặp khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… Thực tế này đang đòi hỏi các ngành, địa phương cần sớm có những giải pháp phù hợp để giúp nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho địa phương.

Những tháng đầu năm 2014, giá tôm liên tục giảm và hiện chỉ còn 85.000-100.000 đồng/kg loại 100 con/kg; cộng với nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam bị đối tác Nhật, EU cảnh báo, thậm chí trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép đã gây hoang mang cho nhiều người.

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được khởi xướng cách đây 5 năm. Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả, song dường như vẫn chỉ tập trung cho hàng của các doanh nghiệp, còn hàng nông sản của nông dân vẫn bị bỏ ngỏ trong cuộc vận động lớn và nhiều ý nghĩa này.

Hằng năm, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cung cấp ra thị trường trên 850 tấn rau màu các loại. Tuy nhiên, khâu đóng gói, bảo quản rau màu của HTX còn hạn chế nên sản phẩm của HTX giá bán còn bấp bênh. Việc đầu tư hoàn thiện quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản được xem là yêu cầu cấp bách để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm rau màu của HTX.

Cũng như ngư dân cả nước, ngư dân Đà Nẵng mong chờ chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt khai thác và đánh bắt xa bờ trong gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ sớm được triển khai để ngư dân đóng tàu vỏ sắt vươn khơi bám biển đánh bắt thủy, hải sản cải thiện đời sống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.