Cuối 2015 Mới Áp Dụng Tỷ Lệ Mạ Băng Mới Cho Cá Tra

Trước áp lực của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “dọa” đóng cửa nhà máy nếu áp dụng quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới từ ngày 1-1-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chủ trương cho phép lùi thời gian áp dụng quy định này.
Theo một nguồn tin TBKTSG Online có được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý lùi thời gian áp dụng quy định tỉ lệ mạ băng 10% và hàm ẩm 83% trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đến cuối năm 2015, thay vì sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2015 như dự kiến.
Trao đổi với TBKTSG Online sáng nay 31-12-2014, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ - địa phương có hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra lớn ở ĐBSCL, cũng đã xác nhận thông tin trên.
Theo ông Quỳnh, việc gia hạn “siết” tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm ở Nghị định 36 nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian thương lượng, chào hàng và sắp xếp công việc xuất khẩu sản phẩm cá tra được thuận lợi hơn.
Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL cho rằng áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới sẽ làm giá thành sản phẩm tăng lên, trong khi đó đối tác nhập khẩu không chịu nâng giá mua làm doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, cho rằng các nước nhập khẩu không đồng ý nâng giá mua lên, dù ông đã nhiều lần trình bày với họ rằng chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên do việc “siết” tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO Seafood), dung lượng thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn tỉ lệ mạ băng 10% và hàm ẩm 83% chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm, “cho nên nếu bắt chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn mới, doanh nghiệp sẽ bán không được nên buộc phải đóng cửa thôi”, ông Đạo khẳng định.
Để phản đối áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (SOUTH VINA) đã gửi thư điện tử đến Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo đóng cửa nhà máy vào ngày 1-1-2015, nếu vẫn áp dụng tỉ lệ mạ băng 10% và hàm ẩm 83%.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG, một số nhà chuyên môn nhận định, về lâu dài, việc “siết” tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm sẽ là bước đi khôn ngoan, tạo nên giá trị cốt lõi cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho phép thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan từ 07h00 đến 22h00 hàng ngày đối với mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, tỉnh Lào Cai.

Tỉnh Nam Định giáp ranh với Ninh Bình đã xuất hiện những ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 đầu tiên. Và hiện nay, trên địa bàn cả nước có 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 7 huyện của 6 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Ông Trần Văn Tánh, nông dân tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nổi tiếng ở địa phương vì mô hình làm nông không đụng hàng: trồng cỏ đậu phộng dại trong vườn tiêu sạch. Ông còn tận dụng nguồn cỏ này làm thức ăn nuôi dê để có thêm thu nhập.

Người dân dùng các loại lá cây có chất chua như lá giang, lá me và thuốc sát trùng để rơ miệng cho gia súc bị lở mồm long móng

Từ một mảnh đất rẫy cằn cỗi dưới chân Hòn Rồng, ông Nguyễn Đông Hải (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã cải tạo, lập vườn, mở trang trại, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm…