Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Trang Trại Lợn Thôn Đồng Đài

Chủ Trang Trại Lợn Thôn Đồng Đài
Ngày đăng: 09/12/2014

Hay tin ở thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương - Tuyên Quang) có một mô hình nuôi lợn được xếp vào top những trang trại lớn nhất tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc, chúng tôi tìm về và tận mắt thấy được quy mô, cách thức chăn nuôi lợn của ông chủ trang trại Nguyễn Văn Sung này.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sung hiện sở hữu 3 trang trại ở các thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện, thôn Rộc và thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành.

Cả 3 trang trại của gia đình ông đều có quy mô lớn về diện tích, quy mô chăn nuôi cũng như đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi. Ông Sung cho biết, chỉ riêng khoản đầu tư vào chuồng trại đã ngót trên 10 tỷ đồng; trong đó các trang trại nuôi lợn sinh sản, nuôi lợn thịt với quy mô trên 1.000 con và trang trại nuôi lợn hậu bị.

Chúng tôi thăm trang trại lợn sinh sản tại thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành, quy mô khép kín nằm trên một quả đồi thấp cách ly hẳn khu dân cư.

Từ xa nhìn vào đó là một khu liên hợp với những phân khu nuôi lợn được tách riêng theo từng giai đoạn phát triển của lợn sinh sản, như lợn đang trong giai đoạn mang bầu được nuôi riêng; lợn đẻ, nuôi con được tách riêng; lợn tuyển chọn để phát triển thành lợn sinh sản được tách riêng theo từng dãy chuồng chuyên biệt.

Mỗi con lợn, mỗi chuồng lợn đều được công nhân nuôi lợn ghi vào nhật ký theo dõi quá trình phát triển hàng ngày; nếu con nào có biểu hiện không thể phát triển thành lợn sinh sản sẽ chuyển sang thành nuôi lợn thịt.

Ông Sung tâm sự, ông vốn không phải là người chuyên về lĩnh vực chăn nuôi nhưng nhận thấy, chăn nuôi là biện pháp làm giàu của nhà nông nên năm 2007, ông đầu tư 50 lợn nái với mong muốn tạo điều kiện cho anh em trong gia đình có việc làm, tăng thu nhập. Ban đầu toàn thua lỗ, nguyên nhân chính là cách quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến chi phí cao.

Nuôi số lượng ít thì chi phí nhân công cao, trong khi cũng bằng ấy lao động có thể nuôi gấp đôi, ngoài ra rất nhiều chi phí khác sẽ giảm đi nếu đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc áp dụng tối đa các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như chuồng trại, công đoạn, nguồn thức ăn, quy trình chăm sóc theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của lợn sẽ đem lại những hiệu quả cao.

Để mở rộng quy mô chăn nuôi, ông Sung tự tìm hiểu mô hình chăn nuôi của những nước có nền công nghiệp chăn nuôi phát triển trên thế giới qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng và được hỗ trợ của các chuyên gia về chăn nuôi, ông Sung quyết định mở rộng đầu tư, hình thành các trang trại quy mô lớn theo các mô hình trang trại chăn nuôi tiên tiến trên thế giới từ khâu thiết kế chuồng trại đến các công đoạn quản lý.

Hiện cả 3 trang trại có 450 lợn nái giống siêu nạc mỗi năm có thể cung cấp ra thị trường hàng vạn lợn giống. Theo ông Sung, hiệu quả trong chăn nuôi lợn trong thời gian qua có những diễn biến theo biểu đồ hình sin, có thời điểm người nuôi có lãi cao nhưng có lúc lãi thấp hoặc thậm chí là thua lỗ.

Thời điểm có lãi lớn thì người dân đổ xô vào chăn nuôi dẫn đến giá cả bị đẩy xuống thấp, thời điểm thua lỗ người nông dân hạn chế nuôi ở mức cầm chừng dẫn đến thị trường thiếu hụt lại đẩy giá cao. Ông nuôi lợn thịt có thể ứng phó với những biến động theo thị trường khi lợn giống bán chậm ông chuyển sang nuôi lợn thịt.

Hiện các trang trại của ông Sung luôn duy trì trên dưới 1.000 lợn thịt, mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm tấn; ngoài ra còn có hàng trăm lợn hậu bị sinh sản. Các trang trại của gia đình ông Sung đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân trên 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Sung kể, ông vốn xuất thân từ dân cơ khí chế tạo máy nên có cái hay là một số thiết bị phục vụ cho chăn nuôi đã được ông tự gia công sản xuất và chế tạo, đã góp phần đáng kể vào hoàn thiện cơ sở vật chất chuồng trại.

Mặt khác do thói quen tìm tòi trong thực tế cuộc sống và sách vở, nên trong quá trình phát triển chăn nuôi lợn, ông vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật về vệ sinh phòng dịch, lợn sinh sản có nguồn gốc giống tốt; vừa từng bước đầu tư các hệ thống quạt gió, hệ thống phun nước làm mát để trang trại luôn có nhiệt độ ổn định.

Chính cách làm này đã giúp cho con giống luôn đảm bảo chất lượng cung cấp phục vụ chăn nuôi cho bà con nông dân các tỉnh phía bắc và lợn thương phẩm đã xuất bán được ở các thành phố lớn.

Với những kết quả đạt được trong phát triển chăn nuôi lợn, ông Sung đã được các cấp, ngành chức năng huyện Sơn Dương đánh giá là đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện, cung cấp con giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu chăn nuôi, thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tại đại hội trang trại huyện Sơn Dương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014 - 2017 vừa qua, ông Sung đã được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội.

Nguồn bài viết: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/chu-trang-trai-lon-thon-dong-dai-47016.html


Có thể bạn quan tâm

Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín

Bà Lâm Kim Huệ, ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), nuôi tôm khép kín trong 4.000m2, vừa thu được 7 tấn tôm chân trắng. “Tôi nuôi tôm 4- 5 năm rồi nhưng chỉ thu được chừng 2 tấn với kích cỡ tôm 100 con/kg, giá bán thấp.

24/06/2014
Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt

Cây hồng không hạt được người dân xã Quảng Bạch (Chợ Đồn - Bắc Kạn) đưa về trồng từ khá lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho chất lượng quả thơm, ngon không kém so với các nơi khác. Để cây hồng trở thành cây trồng mũi nhọn kinh tế, xã Quảng Bạch đang vận động nhân dân mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng trồng hồng không hạt hàng hóa.

03/06/2014
Bình Thuận Tìm Đường Mới Cho Thanh Long Xuất Ngoại Bình Thuận Tìm Đường Mới Cho Thanh Long Xuất Ngoại

Từ đầu năm đến nay thị trường thanh long của tỉnh Bình Thuận bị biến động mạnh, giá sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chất lượng sản phẩm giảm làm cho nhiều nhà vườn lao đao…Tìm và mở thị trường mới là nhu cầu cấp bách của thanh long Bình Thuận.

24/06/2014
Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha

Tại ĐBSCL, vài năm qua đã hình thành các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "cánh đồng lúa chất lượng cao" quy mô từ vài hàng chục đến hàng trăm héc-ta…. Từ những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.

03/06/2014
Tự Chứng Nhận Nguồn Gốc Xuất Xứ Lợi Ích Lớn Cho Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Tự Chứng Nhận Nguồn Gốc Xuất Xứ Lợi Ích Lớn Cho Doanh Nghiệp Xuất Khẩu

Tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX), DN sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí nếu so sánh với việc xin cấp chứng nhận xuất xứ như hiện nay. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tự chứng nhận xuất xứ” do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký EFTA và VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội.

24/06/2014