Cây Thanh Long Ruột Đỏ Trên Đất Quảng Sơn

Vượt hơn 50km đường rừng, chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Anh Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp Tiến, người đầu tiên mang cây thanh long ruột đỏ về trồng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông).
Sau gần 2 năm, mô hình này bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho bà con xã viên.
Không sợ thất bại
Tâm sự về quá trình đưa cây thanh long ruột đỏ “bén duyên” đất Quảng Sơn, ông Đức cho biết: Suốt hơn một tháng trời, tôi ròng rã trên chiếc xe máy đi thăm các mô hình kinh tế ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Định… để học hỏi kinh nghiệm. Khi nhìn thấy cây thanh long, trong đầu tôi chợt có ý nghĩ: “Trên đất cát bỏng rát mà cây thanh long vẫn sống tốt thì với khí hậu, đất đai như Tây Nguyên sẽ rất thuận lợi cho thanh long phát triển”. Tuy nhiên, nhận thấy đầu ra của cây thanh long ruột trắng bấp bênh nên ông tiếp tục hành trình tìm hiểu.
Qua báo, đài, ông biết mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Mười Thân ở Trà Vinh, vậy là ông lặn lội xuống tận nơi học hỏi kinh nghiệm. Về nhà, ông thuyết phục các hộ gia đình xã viên trồng thử giống cây này. Mới đầu, mọi người không tin lắm vì thanh long ruột đỏ là loại cây mới, bà con chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nguồn vốn đầu tư lớn, nên mọi người khuyên ông từ bỏ.
Không nản lòng, ông tiếp tục lặn lội xuống Trà Vinh mời ông Mười Thân lên khảo sát đất trồng, khí hậu, chia sẻ kinh nghiệm. Ông khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nếu thất bại tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Lấy được lòng tin, các hộ gia đình trong HTX Hợp Tiến cùng nhau góp công, góp của trồng thanh long ruột đỏ.
“Không có cây nào dễ như thanh long ruột đỏ”
Đó là khẳng định của hầu hết xã viên HTX Hợp Tiến. Anh Đồng Xuân Liễu cho biết: “Trồng thanh long khá đơn giản, chỉ cần chọn giống chuẩn, làm đất kỹ càng. Khi trồng chỉ nên lấp đất vừa hết phần rễ khoảng 5 - 7cm. Trong thời gian sinh trưởng và phát triển, cây ra nhiều mầm, chỉ nên chọn mầm tốt nhất, khi nào lên đến đỉnh trụ thì mới để và cho phát triển mầm”.
Trong quá trình chăm bón, thời kỳ đầu cứ cách nửa tháng tưới phân một lần, có thể sử dụng urê hoặc DAP; rắc thuốc kiến và thuốc mối, nếu không mối và kiến sẽ ăn hết mầm, ảnh hưởng tới sản lượng thanh long sau này. Hiện, trong vườn nhà ông Đức đã có 2ha cho trái bói, nhiều thương lái tìm đến thu mua. Đầu ra ổn định, ông cùng xã viên HTX dự định mở rộng diện tích trồng thanh long.
Không chỉ phát triển mô hình thanh long, HTX còn tạo nguồn giống cung ứng cho bà con trong vùng và các tỉnh lân cận với giá 5.000 đồng/cây. Đối với gia đình khó khăn muốn trồng thanh long ruột đỏ, HTX tạo điều kiện bằng cách chỉ lấy một nửa tiền giống, số tiền còn lại khi nào thu hoạch mới phải hoàn trả.
Ngoài ra, xã viên HTX Hợp Tiến còn kết hợp chăn nuôi bò, không những có nguồn phân bón hữu cơ cho thanh long mà còn có nguồn thu nhập ổn định. Sau hơn 1 năm chăn nuôi, với tổng số 15 con, HTX đã xuất 3 con bò với tổng giá trị 65 triệu đồng. Từ nguồn thu đó, HTX tiếp tục quay trở lại đầu tư cho cây thanh long ruột đỏ.
Đoàn kết giúp nhau vượt khó
Không những được biết đến là điểm sáng trong phát triển kinh tế, HTX Hợp Tiến còn tích cực tham gia công tác từ thiện. Đơn vị đã tạo mọi điều kiện giúp người dân từ nơi khác vào vùng đất này làm ăn sinh sống, điển hình như gia đình ông Ngô Đức Chính quê ở Bắc Giang. Ông Chính tâm sự: Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi chuyển vào đây sinh sống. Lạ nước, lạ cái nên việc làm ăn rất khó khăn, may nhờ HTX Hợp Tiến đứng ra giúp, tôi có đất canh tác, có nhà ở”.
Khi nói về ý nghĩa của tên Hợp Tiến, ông Đức cười nói: “Tâm nguyện duy nhất của chúng tôi là đoàn kết mọi người cùng nhau hợp tác để tiến lên làm giàu chính đáng”.
Tuy nhiên, ông và xã viên HTX vẫn trăn trở vì dù rất muốn giúp nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng nguồn vốn có hạn nên rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, ngân hàng tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 24-5, ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết UBND tỉnh Quảng Nam đã cho phép thí điểm mô hình nuôi cá bằng lồng bè ở hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện này.

Thời điểm này năm ngoái, ở Vĩnh Long, khoai lang tím có giá ngất ngưởng (trên 1 triệu đồng/tạ) và giữ ở mức cao (khoảng 800.000 đ/tạ) trong thời gian dài. Từ lợi nhuận đáng mơ ước, nông dân (cả… bác sĩ) ồ ạt thuê đất trồng khoai và không chỉ ở xứ mình mà còn “xâm canh” sang xứ người. Tuy nhiên, khi giá khoai đột ngột tuột dốc thê thảm như hiện nay, người thuê đất như “đứng đống lửa”.

Hôm nay 14.6, Hội Nông dân (ND) huyện Đại Lộc tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XII (nhiệm kỳ 2012-2017). Đây là huyện được Hội ND tỉnh Quảng Nam chọn chỉ đạo đại hội điểm Hội ND cấp huyện, thành phố khu vực đồng bằng.

Giá hành tây được thu mua tại vườn ở Lâm Đồng chỉ còn 1.500 đồng/kg (ngày 7/3), giảm tới 70% so với thời điểm này năm trước nhưng vẫn rất ít thương lái hỏi mua.

Người dân làng Phước Yên (xã Quảng Thọ, Quảng Điền, TT- Huế) đang có cuộc sống sung túc nhờ cây rau má. Người đi tiên phong trồng rau má là anh Cao Quảng Thiện.