Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chỗ Dựa Vững Chắc Của Nông Dân

Chỗ Dựa Vững Chắc Của Nông Dân
Ngày đăng: 14/06/2012

Hôm nay 14.6, Hội Nông dân (ND) huyện Đại Lộc tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XII (nhiệm kỳ 2012-2017). Đây là huyện được Hội ND tỉnh Quảng Nam chọn chỉ đạo đại hội điểm Hội ND cấp huyện, thành phố khu vực đồng bằng.

Nhiệm kỳ 2007-2012, Hội ND huyện Đại Lộc đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức hội, nhờ đó chất lượng hoạt động hội được nâng cao rõ rệt. Các phong trào hoạt động của Hội được đẩy mạnh, nhất là phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo.

Anh Nguyễn Thanh Hạt (thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) thoát nghèo nhờ trồng quýt.

Thi đua làm giàu

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua, Hội ND Đại Lộc đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, như ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất để tạo ra năng suất cao, sản phẩm có chất lượng tốt, có giá trị hiệu quả kinh tế cao; cải tạo vườn tạp xây dựng kinh tế vườn theo mô hình VAC hoặc chuyên canh rau quả, xây dựng gia trại, trang trại, chuyển đổi vụ mùa, cây trồng, vật nuôi…

Hiện nay, Đại Lộc có hơn 2.500ha cây trồng các loại có năng suất cao, mỗi ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 15,39%; toàn huyện có trên 80% hộ ND xây dựng nhà kiên cố.

Hội còn tham gia nhân rộng nhiều ngành nghề truyền thống như may mặc, giày da, hàng mây tre… qua đó giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động địa phương. Huyện hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (Hội ND tỉnh), Trường Dạy nghề Thanh niên dân tộc miền núi Bắc Quảng Nam... mở 18 lớp dạy nghề cho 570 ND ở 10/18 xã trên địa bàn.

Hội còn giúp ND nghèo vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để làm ăn; Hội hỗ trợ một phần lãi suất giúp ND ở các xã Đại Cường, Đại Hưng, Đại Phong và Đại Lãnh mua máy cày và máy gặt đập liên hợp. Qua những hoạt động hỗ trợ thiết thực này, đến nay, toàn huyện có 8.089 hộ ND đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 2.173 hộ so với nhiệm kỳ trước.

Xây dựng nông thôn mới cũng là công tác được Hội ND Đại Lộc chú trọng. Hội đã vận động ND đóng góp gần 18.000 ngày công, 4,2 tỷ đồng, xây dựng 142,78km đường bê tông, duy tu bảo dưỡng 824km đường nông thôn; làm mới 13km bê tông hóa kênh mương thủy lợi... Hội đã phát động phong trào “hai không” là: “Không vứt rác thải, xác súc vật bừa bãi gây ô nhiễm môi trường” và “Không dùng xung điện gây hủy hoại môi trường”.

Thêm nhiều ND vào Hội

Nhiệm kỳ qua, toàn huyện đã kết nạp hơn 2.600 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 24.668 người, chiếm 91% số hộ nông, lâm nghiệp; xây dựng được 1.720 hội viên là lực lượng nòng cốt. 100% hội viên được cấp thẻ. Cùng với phát triển hội viên, hệ thống tổ chức hội ở cơ sở được củng cố kiện toàn với 161 chi hội, 813 tổ hội theo địa bàn dân cư.

Dịp này, T.Ư Hội NDVN tặng cờ Thi đua xuất sắc nhiệm kỳ 5 năm (2007-2012) cho Hội ND huyện Đại Lộc. Đây là Hội ND cấp huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Nam được nhận cờ Thi đua xuất sắc của T.Ư Hội NDVN.

Ông Mai Đình Bản-Chủ tịch Hội ND huyện Đại Lộc, cho biết: Nhiệm kỳ tới, Hội phấn đấu 90% số hộ ND có hội viên; 85% cơ sở hội và trên 80% chi hội vững mạnh, không có cơ sở, chi hội yếu, kém; mỗi năm tăng 5% hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp…

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam cho hay: "Hội ND huyện Đại Lộc là một trong những đơn vị được đánh giá là hoạt động mạnh và đều ở các phong trào. Hội ND huyện Đại Lộc thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc của ND và là "trung tâm nòng cốt trong phong trào ND và công cuộc xây dựng nông thôn mới".

Có thể bạn quan tâm

Khởi Nghiệp Từ Nuôi Chim Trĩ Khởi Nghiệp Từ Nuôi Chim Trĩ

Từng làm việc trong một doanh nghiệp ngành Than với mức lương ổn định trên 7 triệu đồng/tháng thế nhưng Đinh Hữu Hiền (khu 6, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã quyết định nghỉ việc để về nhà nuôi gà. Anh Hiền tâm sự: Thời điểm cách đây 5 năm, 7 triệu cũng là to, với mức thu nhập ấy nhiều người muốn xin vào làm.

13/09/2013
Chuyển Khu Nuôi Tôm DN Bỏ Hoang Gần 10 Năm Cho Dân Chuyển Khu Nuôi Tôm DN Bỏ Hoang Gần 10 Năm Cho Dân

Với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Quảng Bình đang đi những bước cuối cùng chuyển toàn bộ khu nuôi tôm công nghiệp 120ha của Công ty Sông Gianh cho người dân xã Phú Trạch sản xuất trong tháng 9, chấm dứt việc bỏ hoang gần 10 năm nay.

14/09/2013
Mô Hình Nuôi Trồng Và Chế Biến Thủy Sản Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Trồng Và Chế Biến Thủy Sản Hiệu Quả

Với quy mô kinh tế gia đình, nông dân nhiều địa phương ở An Giang đã tổ chức nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư đồng vốn trong điều kiện có được, tận dụng ngày công lao động… tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, vừa giúp ích việc làm cho số đông hộ nghèo ở xóm, ấp, vừa có khả năng nhân rộng trên địa bàn dân cư và phát triển mạnh ở nông thôn.

14/09/2013
Thủy Sản ĐBSCL Tái Cơ Cấu Để Phát Triển Bền Vững Thủy Sản ĐBSCL Tái Cơ Cấu Để Phát Triển Bền Vững

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.

16/09/2013
Tiết Kiệm Năng Lượng Ở Các Vùng Nuôi Tôm Tiết Kiệm Năng Lượng Ở Các Vùng Nuôi Tôm

Nuôi tôm trên cát là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn do các DN, hộ nuôi sử dụng các thiết bị lạc hậu, không có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL).

16/09/2013