Cá Tra Khởi Sắc

Không chỉ giá bán tăng, người nuôi bắt đầu có lãi mà xuất khẩu cá tra cũng đang có dấu hiệu khởi sắc khi phục hồi tại thị trường Mỹ
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay đạt giá trị hơn 408 triệu USD, tăng 5,17% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng, trong khi thị trường EU có xu hướng giảm.
Vì vậy, Mỹ đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Một số thị trường tuy có giảm sản lượng nhập khẩu cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam nhưng lại tăng về giá trị như: Thái Lan, Nhật Bản. Các nước Úc, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu cá tra có dấu hiệu gia tăng. Điều này cho thấy sự phục hồi lòng tin của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính này.
Giá cá tra thương phẩm tại ĐBSCL đang có dấu hiệu phục hồi, dao động từ 24.500-25.600 đồng/kg. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, với giá bán này, người nuôi lãi từ 2.000-3.000 đồng/kg. Khi có lợi nhuận, người nuôi sẽ bắt đầu chú ý đầu tư cho chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, để cá tra không bị làm khó ở nhiều thị trường khó tính như thời gian qua, cần tăng đầu tư chế biến đa dạng thay vì chỉ xuất khẩu cá phi lê đông lạnh. “Tại hội chợ cá được tổ chức ở Bỉ vừa qua, cá tra phi lê nướng được người tiêu dùng tại đây ưa chuộng. Cần tạo nhiều mặt hàng đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn vì nhiều khi họ mua cá phi lê về không biết chế biến như thế nào” - ông Quỳnh đề xuất.
Tin vui cho ngành cá tra là mới đây, Chính phủ ban hành nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ ngày 20-6. Theo đó, đến ngày 31-12-2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra…
TS Võ Hùng Dũng đánh giá: “Sự ra đời của nghị định này như một thông điệp mạnh mẽ đến với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đặc biệt quan tâm đến sự phát triển bền vững của ngành cá tra; chú trọng hàng đầu đến vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn từ vùng nuôi đến chế biến xuất khẩu”.
Có thể bạn quan tâm

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến 2020, tổng sản lượng thủy sản khoảng 7 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản khoảng 11 tỷ USD. Đến 2030, các con số này tăng lên khoảng 9 triệu tấn và 20 tỷ USD.

Trong 3 năm 2011 - 2013, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Nghệ An đã thực hiện thành công mô hình nuôi cua biển thương phẩm trên diện tích 2,5 ha. Mô hình nuôi theo hình thức thâm canh trong thời gian 5 tháng tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, và thành phố Vinh.

Do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, nhiều người dân ở xã Dương Hoà (Thừa Thiên Huế) nuôi trâu, bò bằng cách chăn thả rong trong rừng, thỉnh thoảng mới vào kiểm kê và thăm nom. Nắm được quy luật này, bọn trộm trâu đã ra tay khiến người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Khi trang trại quy mô lớn mất dần ưu thế về hiệu quả, người dân xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế nông hộ theo kiểu trang trại gia đình quy mô nhỏ, với hiệu quả mang lại từ việc khai thác tối đa tiềm năng tại chỗ, phát triển đàn vật nuôi quy mô vừa.

Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, cho biết: "Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc lập lại trật tự trong hoạt động xuất khẩu khoai lang sang thị trường nước ngoài, từ ngày 5-8-2013, việc lập lại trật tự trong mua bán khoai lang bước đầu đã có chuyển biến tích cực.