Buôn lậu đường cát tăng mạnh trên các tuyến biên giới

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện gần 1.140 vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, xử lý 1.068 vụ, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó xử lý hình sự 16 vụ/21 đối tượng, xử lý hành chính 1.054 vụ, với tổng số tiền thu phạt hơn 6,3 tỷ đồng/496 vụ, trị giá hàng thu giữ 7,1 tỷ đồng, chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá, rượu ngoại, phân bón, đường cát...
Phương thức của các đối tượng vẫn là canh chừng, giám sát mọi hoạt động của lực lượng chức năng, thông tin cho nhau trong quá trình vận chuyển. Hàng hóa trước khi qua biên giới, các đối tượng sang bao, chiết bao, chia nhỏ, mướn cư dân biên giới mang, vác hoặc dùng phương tiện thủy vận chuyển qua biên giới rồi đưa lên xe mô tô, xe gắn máy chạy tốc độ cao vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Trên toàn tuyến biên giới hiện nay có khoảng hơn 50 đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp và khoảng 500 - 600 đối tượng dân địa bàn tham gia và tiếp tay cho buôn lậu, trong đó chủ yếu là buôn lậu đường cát Thái Lan.
Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân của việc buôn lậu đường cát tăng là do, địa bàn tỉnh An Giang đã triệt phá đường dây buôn lậu đường lớn nên các đối tượng chuyển hướng địa bàn. Đồng thời, mặt hàng này hiện nay dễ tiêu thụ, mỗi bao đường (50kg) vận chuyển từ biên giới về đến địa bàn Trung tâm TX.Hồng Ngự trừ chi phí, chênh lệch giá từ 50.000 – 70.000 đồng/bao/50kg, vì vậy các đối tượng đã lôi kéo một bộ phận dân cư ham lợi, không có việc làm đi buôn lậu. 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện, xử lý tịch thu trên 110 tấn đường cát nhập lậu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết, các thủ đoạn, tính chất và quy mô buôn lậu thời gian qua rất phức tạp, nhất là mặt hàng đường cát và thuốc lá lậu. Các đối tượng buôn lậu rất manh động, liều lĩnh, chống đối quyết liệt để giành giật lại hàng khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ. Riêng đối với mặt hàng đường cát, hiện nay xuất hiện thủ đoạn mới là các đối tượng cho nước vào đường rồi đưa vào can nhựa 30 lít vận chuyển vào nội địa bán cho các cơ sở sản xuất, lò nấu đường phèn, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xử lý tang vật.
Lực lượng chức năng dự báo diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có thể gia tăng, nhất là vào mùa nước nổi, thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Do đó, một trong những giải pháp căn cơ để kéo giảm nạn buôn lậu là phải có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Bên cạnh đó, phải có biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân trong việc không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm. Đặc biệt, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên giới, nhằm kéo giảm tình trạng người dân biên giới tiếp tay cho buôn lậu.
Có thể bạn quan tâm

Vụ nuôi tôm gần đây, toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 122 hộ nuôi tôm trên ruộng, với tổng diện tích 752,8 ha (giảm 55,2 ha so năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, đạt tổng sản lượng hơn 903 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Trong đó, có trên 560 tấn tôm thịt và 343 tấn tôm trứng.

Cá chim vây vàng (Trachinotus bloochi) là loài cá biển có giá trị kinh tế cao, được nuôi và tiêu thụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ, Singapore... Ở Việt Nam, cá chim vây vàng vẫn còn là đối tượng nuôi khá mới mẻ. Những thành công về sản xuất giống và nuôi thương phẩm trong thời gian qua đang mở ra nhiều triển vọng bổ sung loài cá chim vây vàng vào danh sách các loài cá biển nuôi ở Việt Nam.

Thực hiện chương trình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2010 - 2015 theo hướng công nghiệp và bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện 2 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn trên địa bàn huyện Duyên Hải, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 233 tỉ đồng, do Trung ương hỗ trợ.

Tính đến chiều 11-3, dịch heo tai xanh tại 6 huyện thị trên địa bàn Quảng Trị có dấu hiệu chững lại. Hơn một nửa trong số 1.300 heo tai xanh đã được cán bộ thú y điều trị cách ly, số còn lại phải tiêu hủy.

Mô hình liên kết giữa hợp tác xã (HTX) với ND ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng trong trồng nấm bào ngư đã giúp nhiều hộ có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập...