Thống kê / Mô hình kinh tế

Triển vọng từ mô hình sản xuất lạc đen tại Nghệ An

Tác giả: Ngọc Lan
Ngày đăng: 17/05/2022

Vụ xuân 2022, mô hình sản xuất thử nghiệm giống lạc CNC1 được triển khai trên diện tích 4 ha tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Đây là dự án cấp Nhà nước về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm giống lạc đen tại tỉnh Nghệ An do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ phối hợp với HTX Nam Thịnh thực hiện.

Giống lạc đen là giống lạc truyền thống ở Nghệ An, hạt lạc đen có màu tím sẫm, có đặc điểm khác biệt các giống lạc thông thường đó là có giá trị dinh dưỡng và dược lý cao, được các nước phát triển sử dụng nhiều, thị trường trong nước ưa chuộng.

Qua quá trình thử nghiệm các hộ dân tham gia thực hiện mô hình đã đánh giá cao giống lạc CNC1 về khả năng sinh trưởng; về năng suất, chất lượng; khả năng kháng bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. So với các giống lạc hiện đang sản xuất phổ biến trên địa bàn như Sen Thắt, L14 thì giống lạc đen CNC1 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn: Thời gian sinh trưởng phát triển vụ xuân là 123 ngày cây sinh trưởng phát triển khoẻ.

Dạng hình cây gọn, thân đứng. Lá màu xanh đậm. Hoa đậu tập trung. Quả to và đều. Tỷ lệ quả chắc cao. Hạt màu đen, ăn ngon, ngọt, thơm bùi. Tuy cách trồng và chăm sóc gần như các giống lạc đang trồng phổ biến tại địa phương nhưng cho năng suất ước đạt 35tạ/ha cao hơn cao hơn từ 2,1 – 4,9 tạ/ha. Đặc biệt, lạc đen rất được thị trường ưa chuộng, giá cao hơn các loại hạt lạc khác đến 15%.

Qua quá trình thử nghiệm giống lạc CNC1 có khả năng sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra nhiều triển vọng cho hướng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hàng hóa của địa phương, thúc đẩy việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng giống cây trồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

So với các giống lạc đang trồng phổ biến tại địa phương giống lạc đen cho năng suất cao hơn từ 2,1 – 4,9 tạ/ha.

Với những kết quả khả quan qua mô hình thử nghiệm, trong thời gian tới Sở Khoa học & Công nghệ sẽ kết hợp Sở NN&PTNT xây dựng qui trình sản xuất để mở rộng diện tích trồng lạc đen trong toàn tỉnh, góp phần khẳng định và nâng cao thương hiệu lạc Nghệ An trong cả nước và Quốc tế.


Có thể bạn quan tâm