Thống kê / Mô hình kinh tế

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế hộ ở Thanh Thủy

Ngày đăng: 15/08/2015

Cùng cán bộ tín dụng Agribank Thanh Thủy, chúng tôi về khu 2 xã Trung Thịnh, thăm trang trại của gia đình anh Quyết Đức Đán, tận mắt thấy được sự quyết tâm của một nông dân biết vượt lên nghèo khó. Khu đất rộng 1.500m2 được anh đầu tư xây dựng thành chuồng trại kiên cố nuôi 20 lợn nái, gần 200 lợn thịt. Hỏi chuyện mới biết, anh đã từng đi làm thuê khắp nơi, rồi khi trở về quê nhờ có chính sách "Tam nông" anh được Agribank Thanh Thủy cho vay 50 triệu đồng khởi nghiệp.

Sau khi có Nghị định 41, gia đình anh tiếp tục được nâng hạn mức vay thêm 400 triệu đồng để mở rộng trang trại. Anh Đán phấn khởi cho biết: “Thủ tục vay vốn tại ngân hàng đơn giản, thuận tiện, cán bộ tín dụng về tận nơi hướng dẫn. Những lúc trang trại gia đình tôi gặp khó khăn, dịch bệnh, ngân hàng đều tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ lãi suất, tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Hiện bình quân mỗi năm trang trại xuất ra thị trường 40 tấn lợn. Mỗi năm thu lãi được khoảng 200-300 triệu đồng”.

Đến trang trại tổng hợp có diện tích gần 1ha của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, xã Hoàng Xá chúng tôi hiểu thêm về vai trò của tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn. Cũng như hàng trăm hộ nông dân trong xã, gia đình anh Thắng làm ruộng, dù có chắt chiu cũng chỉ đủ ăn. Năm 2005, vợ chồng anh vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi tổng hợp. Anh Thắng tâm sự: “Gia đình tôi được sự giúp đỡ đắc lực của Ngân hàng nông nghiệp Thanh Thủy, ban đầu chỉ 20 triệu, rồi 50 triệu, quy mô trang trại cũng vì thế được mở rộng thêm.

Từ những đồng vốn sinh lời và nhất là khi Agribank mở rộng cho vay, gia đình tôi được ngân hàng nâng hạn mức cho vay lên 200 triệu đồng để tiếp tục mở rộng phát triển trang trại”. Sau hơn 10 năm “lăn lộn” để thoát khỏi đói nghèo, nay với sự hỗ trợ tích cực của Agribank, đến nay anh Thắng bằng lòng với những gì mình có: 3ha trang trại tổng hợp với gần 50 con lợn thịt, 10 lợn nái, 2.000m2 ao thả cá, cây ăn quả. Trung bình mỗi năm tiền lãi thu về từ chăn nuôi khoảng 150 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Thanh Thủy, hiện nay có rất nhiều mô hình kinh tế được vay vốn như gia đình anh Đán, anh Thắng. Trong đó Ngân hàng nông nghiệp đóng vai trò như “lực đẩy” giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo, từng bước “ăn nên làm ra” và có điều kiện làm giàu ngay tại quê hương. Việc đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tích cực chuyển tải vốn tín dụng đến với người dân. Đến hết quý 2, dư nợ cho vay không có đảm bảo tài sản của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Thủy đạt trên 634 tỷ đồng, với 6.008 hộ còn dư nợ, qua đó đã giúp cho các hoạt động dịch vụ nông nghiệp ở địa phương được mở rộng, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa có giá trị cao.

Nhiều hộ dân trước đây chỉ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nay đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Bà Trần Thị Diện - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Thủy cho biết: “Thời gian tới, Ngân hàng NN và PTNT Thanh Thủy tập trung điều hành cơ chế kinh doanh theo hướng chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Thực hiện niêm yết công khai các mức lãi suất về huy động và cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tập trung cho vay ở các xã xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông sản... Đẩy mạnh công tác huy động vốn; xử lý linh hoạt các mức huy động lãi suất ở từng thời điểm, bảo đảm đúng quy định, phù hợp thị trường. Tăng cường tìm hiểu khách hàng; tiếp thị khách hàng truyền thống, tiềm năng; tạo uy tín, xây dựng thương hiệu bằng đổi mới công tác phục vụ”.


Có thể bạn quan tâm