Thống kê / Mô hình kinh tế

Nhiều áp lực đối với nông sản xuất khẩu

Ngày đăng: 04/05/2015

Theo dự đoán, thời gian tới, việc xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính hết quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 169,92 triệu USD (không tính xăng dầu tạm nhập, tái xuất), tăng 12,11% so cùng kỳ năm 2014, đạt 22,61% kế hoạch. Trong đó, mặt hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu đạt gần 50.200 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014, kim ngạch đạt 133,29 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2014.

Việc xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá cao, hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đều được ký kết trong năm 2014. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vào thị trường EU bị sụt giảm làm cho ngành cá tra thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, thuế chống bán phá giá POR10 do phía Hoa Kỳ công bố gần đây vẫn tiếp tục chọn Indonesia làm nước tham chiếu để tính toán biên độ thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam đã gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước. Vì vậy, việc xuất khẩu cá tra trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ba tháng đầu năm xuất khẩu gạo của cả tỉnh ước đạt gần 51.300 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2014, kim ngạch đạt 19,76 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường lúa gạo trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm khá trầm lắng, hoạt động thu mua xuất khẩu kém nhộn nhịp, do nguồn cung trên thị trường quốc tế khá dồi dào, bên cạnh đó các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ đang đẩy mạnh lượng hàng tồn kho ra thị trường.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu mua 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ từ 1/3/2015 thì giá lúa, gạo trên thị trường có dấu hiệu tăng trở lại, mức tăng từ 100-300 đồng/kg tùy loại so với thời điểm trước khi có chủ trương thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, mức tăng này không ổn định lâu dài, hiện tại giá lúa, gạo đã giảm xuống bằng với trước thời điểm triển khai thu mua tạm trữ.

Theo ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện nay, việc xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là ngoài những đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan thì gần đây Campuchia, Myanmar đã dần chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, các nước xuất khẩu gạo cạnh tranh với Việt Nam hiện còn tồn kho rất lớn, như Thái Lan, Ấn Độ, khiến các nước này luôn có chính sách giảm giá để dành thị phần. Thời gian gần đây, môi trường kinh doanh lương thực không còn “sáng sủa” như những năm trước. Hiện nay, giá gạo nhập khẩu của các nước gần như không chênh lệnh nhiều, người mua hoàn toàn chủ động chi phối thị trường và họ có những chính sách để nhập khẩu với các điều kiện thuận lợi nhất, giá cả hấp dẫn nhất, gia tăng các nguồn cung.

Theo ông Sa, giải pháp quan trọng là các doanh nghiệp phải chủ động tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, hàng hóa. Đặc biệt, thông qua các khuôn khổ hội nhập mà nước ta đang đàm phán một cách tích cực như TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan..., việc nắm bắt, theo dõi thông tin của thị trường, để từ đó có những đối sách và biện pháp phù hợp nhằm khai thác được cơ hội và vượt qua thời điểm khó khăn để đạt hiệu quả cao hơn. Ông Sa cũng cho rằng cần làm tốt chuỗi liên kết giữa các thành phần tham gia sản xuất.

Song song đó, các doanh nghiệp cần phải đoàn kết, sản xuất theo quy hoạch trên toàn vùng, quản lý chặt và làm tốt từng khâu trong chuỗi sản xuất, để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giá thành hạ, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm