Thống kê / Mô hình kinh tế

Bà Rịa Vũng Tàu Nghiệm Thu Đề Tài Nghiên Cứu Một Số Bệnh Thường Gặp Trên Một Số Loài Cá Biển Nuôi

Ngày đăng: 26/12/2014

Ngày 19-12, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp trên một số loài cá biển nuôi tại BR-VT, đề xuất giải pháp phòng trị” do Thạc sĩ Bùi Quang Mạnh, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam làm chủ nhiệm đề tài; Hội đồng nghiệm thu đã xếp đề tài loại Khá. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định tác nhân gây bệnh thường gặp trên cá biển nuôi (mú, hồng, chẽm và cá bớp) tại BR-VT và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh. Thời gian nghiên cứu từ tháng 11-2012 đến tháng 8-2014.

Theo kết quả đề tài nghiên cứu, vùng nuôi cá biển lồng bè chủ yếu tập trung tại xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) và huyện Tân Thành. Tổng diện tích nuôi khoảng 68,7ha với khoảng 4.000 lồng nuôi. Trong đó, vùng nuôi tại xã Long Sơn chiếm 60%, huyện Tân Thành chiếm 40%.
Vùng nuôi cá biển trong ao đầm tập trung tại khu vực Gò Găng thuộc xã Long Sơn, xã Tân Hoà thuộc huyện Tân Thành và huyện Long Điền. Diện tích nuôi cá biển trong ao đầm huyện Long Điền có diện tích lớn nhất, khoảng 172ha, tiếp đến khu Gò Găng 81ha và huyện Tân Thành có diện tích nuôi khoảng 100ha. Nguồn giống cá mú, cá hồng, cá bớp chủ yếu nhập từ nước ngoài với tỷ lệ hơn 60%. Nguồn giống cá chẽm chủ yếu là sản xuất nhân tạo trong nước. Theo điều tra, 100% số hộ nuôi cá biển không kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong quá trình nuôi.
Có 100% số hộ nuôi cá có bị bệnh ký sinh trùng, lở loét, xuất huyết, mù mắt. Bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất đối với cá biển nuôi tại tỉnh BR-VT là do ký sinh trùng như sán lá đơn chủ (tỷ lệ nhiễm là 42,9%), trùng quả dưa nước mặn (tỷ lệ nhiễm là 31,3%), trùng bánh xe (24,1%), đỉa biển (18%). Cá biển nuôi tại BR-VT bị nhiễm bệnh vi khuẩn Vibrio cao, tỷ lệ nhiễm trung bình là 48,4%.


Có thể bạn quan tâm