Ý Yên Chủ Động Phương Án Tưới Tiêu Nước Cho Sản Xuất Vụ Mùa
Vụ mùa năm 2013, huyện Ý Yên xây dựng kế hoạch gieo trồng 13.650ha lúa, 330ha lạc hè thu, rau màu và cây trồng khác 450ha. Để tránh xảy ra hiện tượng bị úng, hạn làm ảnh hưởng đến sản xuất và cây trồng trong vụ mùa, huyện Ý Yên đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn chủ động các biện pháp chống úng và tích cực, linh hoạt trong công tác chống hạn với phương châm: cao, xa tưới trước; thấp, gần tưới sau, tập trung tưới nhanh gọn và đủ.
Các trạm bơm lớn bơm rút dưới, tưới trên; các trạm bơm nhỏ tranh thủ tận dụng nguồn nước trên kênh tiêu để bơm tưới, hạn chế nhập nước sông, trừ trường hợp phải tạo nguồn cho trạm bơm lớn hoạt động. Trường hợp hạn trên diện rộng thì sử dụng trạm bơm điện lớn tạo nguồn cho các trạm bơm điện nhỏ, bơm dầu hoạt động chống hạn.
Trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm chủ động tưới tiêu nước phục vụ sản xuất vụ mùa 2013, ngay từ đầu năm toàn huyện đã hoàn thành công tác thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng đất đào đắp thực hiện hơn 1,2 triệu m3, đạt 228% kế hoạch. Thực hiện chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Cty TNHH một thành viên KTCTTL (Cty KTCTTL) huyện đã phối hợp với các phòng chức năng, các địa phương tiến hành kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn trước mùa mưa bão. Cty đã tập trung tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống cánh cống, phai phụ, máy đóng, mở các cống dưới đê, cống nội đồng; 119 máy bơm điện, bơm tiêu với tổng công suất 760.300m3/giờ; 535 máy bơm điện cố định, di động; máy dầu của Cty và địa phương sẵn sàng bơm tiêu 2 cầu ứng cứu cho những khu vực cục bộ (khoảng 4.500ha) với tổng công suất là 308.730m3/giờ.
Các trạm bơm tiêu gồm 3 trạm bơm lớn do Cty KTCTTL Bắc Nam Hà quản lý với tổng công suất tưới khoảng 164.000m3/giờ, đảm bảo tưới cho 6.400ha; các trạm bơm nhỏ do Cty KTCTTL huyện quản lý gồm 104 máy với tổng công suất 126.230m3/giờ đảm bảo tưới cho 6.750ha; các trạm bơm Cty KTCTTL huyện thuê của địa phương gồm 120 máy với tổng công suất 95 nghìn m3/giờ đảm bảo tưới cho phần diện tích 1.500ha còn lại. Toàn bộ trạm bơm điện do Cty KTCTTL huyện quản lý được kiên cố hóa, máy móc thiết bị được nâng cấp, duy tu 100%, Cty thường xuyên tiến hành nạo vét, vớt bèo rác khơi thông dòng chảy các kênh. Từ đầu năm đến nay, khối lượng nạo vét, khơi thông dòng chảy của Cty đạt 650 nghìn m3.
Để chủ động trong mùa mưa bão sắp tới, UBND huyện tiếp tục phát động chiến dịch khơi thông dòng chảy trong toàn huyện nhằm đảm bảo cho công tác chống úng hạn đạt hiệu quả cao nhất. Ngay khi kết thúc thu hoạch vụ xuân, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai đắp bờ giữ nước các chân ruộng trũng để có diện tích làm đất ngay. Việc khoanh vùng giữ nước vừa chống hạn vùng cao, vừa giảm áp lực tiêu cho vùng trũng nên đây là biện pháp phòng chống hạn, úng rất hiệu quả. Để thực hiện tốt công việc này, các xã, thị trấn tích cực kiểm tra tu bổ hệ thống bờ vùng, bờ khoảnh, tôn cao, khép kín những khu vực cao, thấp cục bộ đảm bảo an toàn cho công tác phòng, chống úng, hạn của từng vùng.
Dự kiến diện tích giữ đủ nước khoảng 3.800ha. Để thực hiện tốt công tác tưới nước phục vụ sản xuất, Cty KTCTTL huyện theo dõi sát lịch thời vụ gieo cấy của huyện, điều hòa phân phối nước hợp lý giữa các vùng, đảm bảo đúng lịch thời vụ, diện tích theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, Cty căn cứ tình hình thời tiết cụ thể trong từng thời kỳ sinh trưởng của cây trồng để tổ chức tưới tiêu. Trong điều kiện thời tiết bình thường, Cty đề nghị Cty KTCTTL Bắc Nam Hà duy trì mực nước trong kênh tiêu nội đồng theo đúng quy trình hệ thống đã được phê duyệt.
Thực hiện công tác phòng chống úng vụ mùa năm 2013, UBND huyện đã thành lập tiểu ban chống úng nội đồng. Cty KTCTTL huyện đã xây dựng các phương án cụ thể trong từng tình huống mưa bão. Khi có dự báo mưa lớn, bão, lũ, hệ thống nội đồng tích cực tiêu rút nước đệm xuống +0,3m đến +0,4m, triển khai kiểm tra, khoanh vùng giữ nước và chống úng lụt theo phương châm “chôn, rải, tháo” (trữ nước ở những vùng trũng, sau đó bơm rải đều các cốt ruộng; khoanh vùng tháo những chân ruộng trũng thừa nước để canh tác).
Trên các đầu kênh tưới cấp II phải đóng kín đề phòng nước ngoại lai, các khu vực triển khai nhanh việc khoanh vùng, phân vùng tiêu qua hệ thống công trình thủy lợi. Tất cả cống cấp II trên kênh tiêu chính gồm: Mỹ Đô, Kinh Thủy, sông Sắt sau khi tiêu rút nước xong phải đóng kín không cho nước ngoại lai xâm nhập.
Khu vực ngoài đê bối Yên Trị, Yên Đồng tiêu rút nước đệm qua trạm bơm Gon và Đò Thông xuống +0,1m đến +0,2m. Tích cực kiểm tra việc đóng và hoành triệt các cống dưới đê, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như bao tải, đất để xử lý ngay khi có hiện tượng nước rò rỉ qua cánh cống. Công nhân phụ trách địa bàn các xã thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình trên địa bàn để phát hiện và đề nghị địa phương xử lý kịp thời các công trình bị sự cố, ách tắc.
Các trạm bơm điện thường xuyên kiểm tra, theo dõi thiết bị đảm bảo an toàn nếu có mưa úng xảy ra. Trong trường hợp mưa lớn, bão đổ bộ vào địa bàn huyện, các công trình đầu mối tập trung tối đa công suất máy để tích cực bơm tiêu chống úng. Các lực lượng xung kích tập trung xử lý những sự cố xảy ra.
Các cụm phối hợp với các địa phương tích cực kiểm tra đôn đốc khơi thông dòng chảy, vật cản sau bão, đảm bảo kênh, mương, cống, đập tiêu thoát nước tốt. Ưu tiên tiêu úng để ứng cứu những vùng có diện tích ngập trắng, phất phơ, không để tình trạng nước chảy tràn lan xuống vùng trũng. Những khu vực cần thiết mới phải bơm tiêu 2 cầu để tránh áp lực cho công trình đầu mối.
Khi dự báo không còn mưa, các vùng tập trung đắp giữ nước vừa đủ cho cây lúa, không để tình trạng tiêu kiệt trên đồng gây hạn ngay sau tiêu, hệ thống đầu mối bơm tiêu duy trì mực nước trong nội đồng đúng quy trình hệ thống. Sau khi tiêu úng, tiếp tục kiểm tra hệ thống công trình để phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố, đảm bảo sản xuất an toàn.
Để thực hiện tốt công tác thủy nông phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2013, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy, củng cố khép kín bờ vùng, bờ khoảnh, cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc sẵn sàng cho công tác PCLB. UBND các xã, HTX chủ động ngăn chặn và xử lý dứt điểm những vi phạm công trình thủy lợi. Các xã Yên Ninh, Yên Tiến cần xử lý dứt điểm tình trạng ngâm tre, nứa làm cản trở và giảm năng lực tiêu thoát nước của công trình trong mùa mưa bão.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, các vùng nuôi tôm thương phẩm tỉnh Ninh Thuận đã vào vụ chính từ 1 đến 2 tháng, với diện tích đang nuôi khoảng 385 ha, chủ yếu tập trung ở các hộ có tiềm lực, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Kiên Giang đã triển khai mô hình nuôi cá chình trong ao tại huyện Vĩnh Thuận.
Phát huy lợi thế 127km chiều dài của hệ thống sông ngòi chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, những năm qua mô hình nuôi cá lồng trên sông đã từng bước được hình thành và phát triển. Do được nuôi trong môi trường nước lưu thông tự nhiên, hàm lượng ô-xi cao nên cá lớn nhanh, cho chất lượng thịt thơm ngon và rất được thị trường ưa chuộng.