Xuống Giống Ồ Ạt, Nhiễm Rầy Hàng Loạt
Theo Chi cục BVTV Đồng Tháp, trong vụ hè thu 2012, tỉnh này dự kiến xuống giống khoảng 190 ngàn ha. Căn cứ vào tình hình di trú của rầy nâu, Đồng Tháp sẽ xuống giống tập trung lúa hè thu vào 2 đợt. Đợt 1 từ 20/3 đến 31/3, đợt 2 từ 15/4 đến 30/4. Ngành nông nghiệp Đồng Tháp khuyến cáo nông dân không nên xuống giống lúa hè thu sớm trước ngày 20/3 vì đó là thời điểm lúa đông xuân đang thu hoạch rộ nên rầy di trú với mật số cao. Công tác bẫy rầy vào đèn ở Đồng Tháp cho thấy rõ điều này, từ đêm 6–11/3/2012 rầy di trú với mật số cao tại các bẫy đèn như: Bình Thạnh Trung (huyện Lấp Vò) với 187.400 con/bẫy, Long Hậu (Lai Vung) với 204.800 con/bẫy, Long Thuận (Hồng Ngự) với 112.600 con/bẫy.
Thế nhưng ở Đồng Tháp, ngay từ giữa tháng 1, sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân sớm, nhiều nông dân ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh đã xuống giống ngay lúa xuân hè. Và đến giữa tháng 3, trên địa bàn tỉnh này đã có 27.503 ha lúa xuân hè được xuống giống. Trong khi đó, diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch ở Đồng Tháp còn khá lớn. Cụ thể, tới ngày 14/3, nông dân Đồng Tháp mới thu hoạch 91.247 ha, đạt 43,8% diện tích xuống giống, diện tích lúa còn chưa thu hoạch là 117.243 ha, hầu hết đang trong giai đoạn trỗ chín. Điều đáng nói trên diện tích lúa đông xuân còn lại này, rầy nâu đang gây hại 1.205 ha, trong đó nhiễm nặng 17 ha với mật số phổ biến 3.000 - 5.000 con/m2, nhiễm trung bình 220 ha với mật số 1.500 - 3.000 con/m2, còn lại nhiễm nhẹ.
Chính việc trên lúa đông xuân còn nhiều diện tích nhiễm rầy nâu, cộng với rầy di trú mật số cao do nông dân thu hoạch rộ nên diện tích lúa hè thu sớm ở Đồng Tháp bị nhiễm rầy nâu đang tăng mạnh. Đến giữa tháng 3, rầy nâu đã gây hại 4.458 ha lúa xuân hè giai đoạn mạ - đẻ nhánh, trong đó có 121 ha nhiễm nặng với mật số 3.000 - 4.000 con/m2, nhiễm trung bình 1.690 ha (mật số 1.500 - 2.000 con/m2), còn lại nhiễm nhẹ. Như vậy diện tích lúa xuân hè bị rầy nâu gây hại đã tăng 4.378 ha so với tuần trước đó, chủ yếu là rầy tuổi trưởng thành.
Không chỉ ở Đồng Tháp, lúa xuân hè cũng đang được nông dân xuống giống ồ ạt ở nhiều địa phương khác. Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đến giữa tháng 3 này, nông dân nhiều tỉnh, TP ở ĐBSCL đã xuống giống tới 136 ngàn ha lúa xuân hè. Dẫn đầu là tỉnh Sóc Trăng với 52 ngàn ha. Tiếp đó là Đồng Tháp với gần 30 ngàn ha, Vĩnh Long 25 ngàn ha, Tiền Giang 10 ngàn ha…
Nếu gom sản xuất lúa xuân hè vào vụ hè thu chính vụ, cây lúa sẽ phát triển tốt hơn nhờ có đủ nước, ánh sáng, tránh được sự lây lan rầy nâu từ lúa vụ đông xuân và nhất là đồng ruộng sẽ có thời gian cày ải, tăng cường dưỡng chất sau một vụ thu hoạch lúa.
Điều đáng nói là diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch ở ĐBSCL vẫn còn rất lớn. Đến giữa tháng 3, mới có khoảng 600 ngàn ha được thu hoạch, như vậy lúa còn đứng trên đồng tới gần 1 triệu ha. Do đó, lúa xuân hè rất dễ bị nhiễm rầy từ những ruộng lúa đang thu hoạch bay sang. Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV, hiện nay, tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh ở ĐBSCL còn khá cao, do đó, việc xuống giống lúa xuân hè trong khi lúa đông xuân còn đang thu hoạch rộ là rất nguy hiểm.
Đến nay, đã có 43.435 ha lúa xuân hè 2012 ở ĐBSCL bị nhiễm rầy nâu, chủ yếu tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang… Như vậy có tới 32% diện tích lúa xuân hè đã xuống giống bị nhiễm rầy nâu, một tỷ lệ khá cao. Mật số rầy nâu trên lúa xuân hè phổ biến ở mức 1.000-2.000 con/m2. Trong đó, có 831 ha bị nhiễm nặng với mật số 3.000-4.000 con/m2. Ông Nguyễn Hữu Huân cho biết, tại Hội nghị sơ kết vụ đông xuân, triển khai vụ hè thu tổ chức cuối tuần này tại Đồng Tháp, Cục BVTV sẽ cảnh báo mạnh mẽ tình trạng xuống giống ồ ạt lúa xuân hè và nguy cơ lây nhiễm rầy nâu trên lúa vụ này tại ĐBSCL.
Tình trạng trên đang đặt ra vấn đề phải sớm giảm dần và đi đến việc có thể chấm dứt hẳn sản xuất lúa xuân hè ở ĐBSCL. Ông Phạm Văn Dư cho biết ngoài một số địa phương do chưa có đê bao, dễ bị ngập nước trong vụ hè thu, nên đành phải xuống giống sớm trong vụ xuân hè (như ở Cai Lậy, Tiền Giang, với diện tích khoảng 40 ngàn ha), còn ở các nơi khác, nông dân vẫn đang làm vụ xuân hè chủ yếu là theo quán tính: cứ gặt lúa đông xuân xong là gieo sạ lúa xuân hè ngay. Do đó, ở những địa phương này, chính quyền và ngành nông nghiệp cần phải tích cực khuyến cáo nông dân không nên xuống giống quá sớm khi đang thu hoạch vụ đông xuân. Các địa phương nên đưa dần diện tích vụ xuân hè vào vụ hè thu chính vụ.
Có thể bạn quan tâm
Đến xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị), hỏi anh Nguyễn Thọ Biền thì ai cũng biết, vậy nhưng gặp được anh lại không dễ, bởi anh luôn bận rộn với trang trại nuôi hơn 1.400 con vịt của mình. Đứng trước khu chuồng trại với hàng nghìn con vịt đẻ và 2 lò ấp trứng quy mô, anh Biền cho chúng tôi biết, cách đây gần chục năm, khi chưa có điều kiện chăn nuôi rộng rãi như hiện nay, gia đình anh đã tận dụng vườn ao của nhà để nuôi vịt đẻ. Nhận thấy việc chăn nuôi thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình anh đã mạnh dạn đề xuất với địa phương cho chuyển đổi đất trồng lúa kém năng suất sang mô hình trang trại để đầu tư nuôi vịt đẻ với số lượng lớn.
“Đất đai là vốn quý của người nông dân, tuy nhiên không nhất thiết có nhiều đất thì họ mới làm giàu được”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Oánh ở ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước (Đồng Phú), có 14 năm kinh nghiệm trồng rau cho thu nhập cao.
Do tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khiến giá cá tra tại ĐBSCL liên tục giảm nên người nuôi cá lỗ từ 1.000 - 2.750 đồng/kg tùy theo từng thời điểm của quí 1-2013. Vì thế, Hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo người nuôi cá tra chỉ nuôi khi có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến thủy sản.