Xuống Giống Lúa - Tôm - Nông Dân Gặp Khó Do Ngập Úng Ở Cà Mau
Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2012 bắt đầu gần 2 tháng nhưng diện tích xuống giống chỉ đạt hơn phân nửa so với chỉ tiêu kế hoạch. Nguyên nhân gây cản trở tiến độ xuống giống là do thời tiết bất ổn.
Trong khi con tôm đang khiến cho nhiều nông dân phải lao đao, vụ lúa - tôm được coi như chiếc phao “gỡ gạt” lại những rủi ro mà họ gánh chịu. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau chỉ mới gieo cấy hơn 30.000 ha lúa trên đất nuôi tôm trên tổng số 44.500 ha của kế hoạch đề ra.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT, thời tiết đang gây bất lợi cho tiến độ xuống giống và nhiều nơi đang bị ngập úng.
Lúa chết, đồng trống
Với diện tích 25.000 ha lúa - tôm, Thới Bình hiện là huyện đứng đầu cả tỉnh về diện tích gieo sạ lúa trên đất nuôi tôm. Nhưng hiện nay, nhiều cánh đồng mênh mông biển nước, khó gieo cấy được. Ông Lê Bình Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, phân trần, hơn 2 tháng nay, huyện chỉ mới xuống giống 17.000 ha, đạt 68% so với chỉ tiêu, nhiều cánh đồng còn đang bỏ trống.
Cũng theo ông Nguyên, nguyên nhân khiến huyện xuống giống chậm do thời tiết bất ổn. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền, mực nước trong kinh lẫn ngoài sông dâng cao, khiến cho một số diện tích lúa - tôm bị chết vì ngập nước. Số còn lại “ngồi chờ” hết mưa vì không ít hộ nông dân không có đủ chi phí để bơm, tát nước.
Anh Tô Văn Hòa, nông dân ấp 1, xã Thới Bình, bộc bạch: “Gia đình tôi tốn gần 100 lít dầu để bơm nước. Ruộng ngập quá sâu, trong khi chi phí xăng dầu quá lớn, gia đình lại khó khăn nên không biết làm gì khác hơn ngoài ngồi đợi… nắng”.
Không chỉ riêng đồng đất Thới Bình mà ngay cả huyện U Minh, Phú Tân cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, huyện U Minh chỉ mới xuống giống được 8.771 ha, huyện Cái Nước 1.725 ha, Trần Văn Thời 3.942 ha, TP Cà Mau 471 ha.
Dù cố gắng nhưng các huyện chỉ đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch. Song song đó, có hơn 935,2 ha lúa bị thiệt hại do ngập nước. Trong đó, diện tích lúa - tôm gần 200 ha.
Ông Phạm Văn Den, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết, hiện tại huyện chỉ mới gieo cấy được gần 20 ha lúa - tôm, trong khi chỉ tiêu là 1.100 ha.
Cần khai thông hệ thống thủy lợi
Được biết, Phú Tân là huyện ven biển không những chịu cảnh ngập nước vì mưa mà còn chịu ảnh hưởng của triều cường. Những đợt triều cường kết hợp với mưa lớn vừa qua làm mực nước sông dâng cao đột biến. Các bờ bao không đủ cao để ngăn mặn nên việc tháo nước rửa phèn, mặn cho đầm tôm gặp khó.
Anh Lê Hoàng Sự, nông dân xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, cho biết: “Triều cường năm nay đến sớm và dường như mỗi lúc một cao hơn nên việc gieo sạ lúa trên đất nuôi tôm của gia đình tôi cũng như bà con xung quanh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ bất mãn với thời tiết nên không còn mặn mà với cây lúa”.
Thực tế cho thấy, khả năng gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm của huyện Phú Tân sau khảo sát hiện trạng chỉ được 100 ha, đạt 10% so với kế hoạch.
“Hiện nay đã trễ lịch thời vụ, với tình hình này, không sản xuất được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vụ tôm năm sau. Nông dân không chỉ mất đi nguồn thu từ cây lúa mà cả con tôm cũng ảnh hưởng vì không có thảm thực vật từ gốc rạ”, anh Sự lo lắng.
Diện tích lúa thiệt hại, tiến độ xuống giống chậm ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của thời tiết phải kể đến hệ thống thủy lợi chưa thật sự khép kín, không bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời.
Ông Trần Quốc Nam, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thừa nhận: “Sau 2 ngày khảo sát thực tế, mực nước trong ruộng và ngoài sông rạch một số huyện gần như nhau nên việc tháo nước là điều rất khó. Để khắc phục tình trạng này, đối với huyện Thới Bình, vùng chuyên lúa - tôm, cách duy nhất chỉ có thể khuyến cáo người dân tiếp tục đắp bờ, bơm nước để giữ lúa. Vì hiện tại, huyện chưa có hệ thống thủy lợi khép kín. Đối với vùng ngọt hóa như Trần Văn Thời cần tiến hành mở tất cả các cống và hoạt động hết công suất để bảo đảm kịp thời tháo úng”.
Trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, dự báo khả năng vào khoảng tháng 10 sẽ tiếp tục xuất hiện những đợt mưa lớn và triều cường dâng cao. “Bà con cần nâng cao bờ bao, trang bị máy bơm, kịp thời ứng phó với mọi tình huống để bảo đảm vụ mùa hiệu quả. Về lâu về dài, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hệ thống trạm bơm trên địa bàn và triển khai những trạm bơm lưu động tại những điểm nóng để bảo đảm kịp thời tháo nước, giảm thất thoát cho sản xuất nông nghiệp nói chung”, ông Nam cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi nông dân ương cá tra giống ở ĐBSCL quyết định lấp ao do giá cá rớt mạnh, không còn vốn duy trì sản xuất, thì phong trào đào ao từ đất ruộng để nuôi cá lóc lại phát triển rầm rộ, dù đầu ra sản phẩm vẫn còn là câu hỏi lớn.
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Thành Nga nông dân sản xuất giỏi của địa phương.
Phước Chiến là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Bắc với trên 98% là đồng bào dân tộc Raglai. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đến ¾ là đồi dốc, dễ bị xói mòn nên canh tác rất khó khăn. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, những đề án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, đem lại sự đổi thay ấm no cho nhân dân Phước Chiến.