Xuất siêu 1,51 tỷ USD rau quả sau 9 tháng
Theo Bộ Công Thương, cả nước đã xuất siêu 1,51 tỷ USD mặt hàng rau quả sau 9 tháng.
Trái vú sữa chính thức được thị trường Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu từ tháng 9
Cụ thể, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, các mặt hàng trong nhóm nông sản như rau quả, gạo, hạt điều, thủy sản… đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao ở mức trên 20%. Trong đó, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất, ước đạt 2,67 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng trưởng tốt là nhờ quá trình hội nhập khu vực ASEAN của Việt Nam và của ASEAN với các quốc gia khác thông qua các FTA. Đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa), Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Australia (vải, xoài, thanh long)…
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu mặt hàng rau quả cũng có tốc độ tăng trưởng khá cao với 80,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 1,16 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hoa quả đạt 914 triệu USD, tăng gấp 2 lần cùng kỳ; còn rau ước đạt 218 triệu USD, tăng 30%. Rau quả được nhập về chủ yếu từ thị trường Thái Lan (60,7%), Trung Quốc (15,7%), Hàn Quốc, Mỹ… Như vậy, sau 9 tháng, xuất siêu rau quả cả nước đạt 1,51 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, một số nguyên nhân làm gia tăng nhập khẩu rau quả trong thời gian vừa qua là do nguồn cung một số sản phẩm rau quả trong nước giảm do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoặc cắt giảm theo cam kết của Việt Nam với các nước đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm nhập khẩu, trong đó có rau quả. Chưa kể, giá nhập khẩu một số loại trái cây ôn đới như táo, lê, nho… giảm mạnh khi vào chính vụ thu hoạch làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, chỉ một số ít rau quả được nhập về để sử dụng trong nước. Trong khi đó, 96% lượng rau quả nhập về được tái xuất đi Trung Quốc nên nhập khẩu mặt hàng này không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất trong nước.
Riêng với thị trường Trung Quốc, Báo cáo kinh tế Quý III/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, Trung Quốc là thị trường đang nhập khẩu nhiều nhất của rau quả Việt. Lượng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng ở mức 60% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2017, đồng thời hơn 70% lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang hướng đến thị trường này. Báo cáo này cũng khuyến cáo, nếu nhận thức được tầm quan trọng to lớn của thị trường Trung Quốc và tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu thị trường này đặt ra, Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cải thiện tình trạng nhập siêu và thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Tham quan nhiều mô hình khác nhau, từ gà nuôi thả lan đến gà nuôi nhốt chuồng, từ gà công nghiệp nuôi lấy trứng đến gà ta nuôi lấy thịt.
Với 80 con heo rừng và heo rừng lai sinh sản đều đặn, chăm sóc cả heo mẹ và heo con, mỗi năm trang trại của anh Lê Thanh Tâm thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng.
Tại Việt Nam hiện đã có khá nhiều đơn vị cung cấp công nghệ IoT (kết nối vạn vật) và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp