Xuất khẩu tôm tăng 18,5%
Tính đến hết tháng 7/2017, tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu sang top 8 thị trường lớn đều tăng trưởng tốt trừ Mỹ giảm 5,5%.
Tính tới tháng 7/2017, xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 63,2% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam; tôm sú đứng thứ hai với 25,6% và tôm biển với 11,2%. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu tôm chân trắng và tôm biển tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) là sản phẩm xuất khẩu chiếm giá trị cao nhất với 675,5 triệu USD.
Trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016 đạt 1,2 tỷ USD trong khi xuất khẩu các sản phẩm tôm sú giảm 5% đạt 493,8 triệu USD.
Trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, xuất khẩu tôm loại khác sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) tăng tốt nhất trên 138% trong khi tôm sú chế biến (HS 16) giảm mạnh nhất 31%.
Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam thay thế cho Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 383,8 triệu USD; tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nhu cầu NK thủy sản trong đó có tôm của Nhật Bản từ năm 2016 đến nay liên tục tăng. Việc đồng Yên Nhật tăng giá, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Nhật tăng kèm theo các DN chế biến tôm Việt Nam có nhiều cải thiện về mặt chất lượng và quy cách chế biến sản phẩm là những nguyên nhân chính thúc đẩy xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng cao.
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của tôm Việt Nam, ghi nhận mức tăng trưởng 20,5% trong nhập khẩu tôm từ Việt Nam tính tới tháng 7 năm nay. Giá trị xuất khẩu tôm sang EU trong giai đoạn này đạt 380,6 triệu USD. Trong số 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của khối, xuất khẩu tôm sang Anh và Hà Lan tăng lần lượt 49,4% và 32,7%; xuất khẩu sang Đức giảm 13,8%.
Trung Quốc, đứng thứ 3 về nhập khẩu tôm Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng tốt nhất 39,8% trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong tháng 7 đạt mức tăng trưởng 3 con số 106,3%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt 348,4 triệu USD.
Sản lượng thu hoạch tôm của Trung Quốc đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây trong khi nhu cầu nhập khẩu để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất khẩu sang các nước khác ngày càng tăng khiến Trung Quốc là thị trường tiềm năng của các DN xuất khẩu Việt Nam.
Hơn nữa, số lượng người dân thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới dẫn đến nhu cầu tiêu thụ về các sản phẩm có hàm lượng protein, nhất là tôm, cá...nhiều hơn.
Mỹ từ vị trí số 1 tụt xuống vị trí thứ 4 về nhập khẩu tôm Việt Nam. xuất khẩu tôm sang thị trường này 7 tháng đầu năm đạt 344,7 triệu USD, giảm 5,5%.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ nửa đầu năm nay có chiều hướng đi xuống do tác động việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11), đồng USD sụt giá do tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Mỹ) cũng phần nào làm giảm xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.
Mặc dù thuế CBPG cao nhưng do nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường Mỹ tăng nửa cuối năm nay, nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giai đoạn này dự kiến tăng so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù tốc độ tăng trưởng không cao.
Do khó khăn trong xuất khẩu sang Mỹ, DN nên đa dạng hóa thị trường để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu ổn định. DN cũng cần đảm bảo tuân thủ quy định của Mỹ về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất đồng thời chủ động phối hợp tích cực với cơ quan Nhà nước trong đàm phán tháo gỡ thị trường và đấu tranh với những quy định của Mỹ có tác động bất lợi tới xuất khẩu của Việt Nam để từ đó duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường chủ lực này.
Bảy tháng đầu năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh ở các thị trường châu Á. Tăng trưởng giá trị xuất khẩu tôm tại các thị trường này 7 tháng đầu năm sẽ giúp tạo đà tăng trưởng cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
Khi nghi ngờ tôm có tạp chất người tiêu dùng cần kiên quyết không mua, không sử dụng, cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra
Mô hình khuyến ngư như: nuôi tôm sú kết hợp cá dìa, nuôi cá mú trong ao đất, nuôi cá mú xen canh tôm… Từ những hiệu quả đạt được, Trung tâm sẽ nhân rộng
Để đảm bảo chất lượng nguồn tôm giống phục vụ nhu cầu sản xuất của người nuôi. Cục Thú y tổ chức đoàn công tác kiểm tra, truy xuất nguồn