Giá / Tin thủy sản

Xuất khẩu tôm nên hướng về châu Á

Xuất khẩu tôm nên hướng về châu Á
Tác giả: Sơn Trang
Ngày đăng: 05/09/2017

Xuất khẩu tôm Việt Nam cần hướng mạnh tới thị trường châu Á trong những năm tới. Đó là thông tin đáng chú ý được các chuyên gia thủy sản chia sẻ tại Hội thảo “Nhu cầu Tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam”, do VASEP tổ chức ngày 29/8.

Chế biến tôm xuất khẩu

Theo TS Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong những năm tới, sản lượng tôm trên toàn cầu có khả năng thiếu hụt so với nhu cầu. Sản lượng tôm nuôi thế giới đạt mức kỷ lục 4,1 triệu tấn vào năm 2011. Nhưng từ đó đến nay, sản lượng chưa bao giờ đạt được mức này, chủ yếu do tình hình dịch bệnh. Tại một Hội nghị của Liên minh Thủy sản toàn cầu, các dự báo cho thấy trong giai đoạn 2017-2020, sản lượng tôm nuôi toàn cầu sẽ tăng bình quân 4,2% và đạt khoảng 4,6 triệu tấn vào năm 2020. Cũng trong giai đoạn đó, sản lượng tôm khai thác sẽ không tăng.

Như vậy, sản lượng tôm sẽ bị thiếu hụt so với nhu cầu, bởi sản lượng tăng thêm từ nuôi tôm chỉ bằng với nhu cầu tăng thêm tại các thị trường lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm cũng sẽ tăng nhanh ở các thị trường quan trọng khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… Riêng tại thị trường Trung Quốc, trong khi sản lượng nội địa chỉ có thể tăng 4%/năm thì nhu cầu tăng tới 14%/năm. Do đó, đến 2020, Trung Quốc sẽ cần thêm 743.000 tấn tôm so với hiện nay.

Ông Carson Roper, chuyên gia về thị trường EU, cho biết, trong những năm tới, nhu cầu tôm sẽ tăng mạnh ở khu vực châu Á, nhất là ở ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ... Bởi ở khu vực này tập trung nhiều thành phố đang có sự gia tăng mạnh về nhân khẩu như Tokyo, Deli, Mumbai… Còn tại các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản…, sẽ tăng nhu cầu tôm nuôi có chứng nhận hữu cơ. Do đó, các DN XK tôm và cả ngành hàng tôm cần chú ý xu hướng thị trường để sớm có những chuẩn bị cần thiết về cơ sở hạ tầng, logistics, chuỗi cung ứng lạnh… để đáp ứng kịp thời nhu cầu NK tôm tăng lên tại các thị trường ở châu Á.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Carson Roper, các nhà XK tôm cần chú ý tới những thay đổi mạnh mẽ về thói quen mua sắm, tiêu dùng đối với các mặt hàng thủy sản nói chung và tôm nói riêng, nhằm thay đổi cơ cấu sản phẩm cho phù hợp. Chẳng hạn, ở Mỹ, hiện nay có tới 66% gia đình mà thu nhập đến từ cả 2 vợ chồng. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn gia đình ở Mỹ có cả vợ lẫn chồng cùng đi làm, nên không còn thời gian nấu ăn ở nhà. Thay vào đó, họ phải đi ăn ở tiệm hoặc mua đồ chế biến sẵn về nhà cho vào lò vi sóng hâm nóng rồi ăn. Do đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủy sản chế biến sâu sẽ tăng mạnh.

Xu hướng mua thủy sản qua mạng cũng đang tăng lên. Tập đoàn bán lẻ qua mạng Amazon hiện đã cung cấp các sản phẩm thủy sản qua mạng với giá rẻ hơn giá bán ở các siêu thị.

TS Phạm Anh Tuấn, cho biết, giá trị thương mại tôm toàn cầu hiện vào khoảng 22,2 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng giá trị XK thủy sản thế giới. Hiện tại, diện tích tôm Việt Nam vào khoảng 700.000 ha, tổng sản lượng khoảng 600.000 tấn. Đến năm 2020, nếu vẫn giữ nguyên diện tích và tăng được năng suất (tôm sú đạt 0,7 tấn/ha; tôm thẻ 5,7 tấn/ha), tổng sản lượng có thể đạt 933.000 tấn (tôm sú 420.000 tấn, tôm thẻ 510.000 tấn).

Vì vậy, muốn tăng được sản lượng thêm nhiều nữa nhằm đạt mục tiêu tăng cao về giá trị XK tôm, thì ngoài việc tăng năng suất, cần phải mở rộng thêm diện tích nuôi tôm. Đồng thời phải khắc phục được những thách thức lớn ở khâu tôm giống (kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ NK, an toàn sinh học trại giống, phát triển sản xuất giống tại chỗ…) và khâu nuôi tôm (rủi ro dịch bệnh, an toàn sinh học vùng nuôi, xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh, giảm giá thành, tổ chức lại sản xuất…).


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu thuỷ sản vừa được giá, vừa mở rộng thị trường Xuất khẩu thuỷ sản vừa được giá, vừa mở rộng thị trường

Nhu cầu gia tăng cùng với sự điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường tốt hơn, ngành thuỷ sản Việt Nam tự tin đặt ra mục tiêu xuất khẩu của năm 2017

05/09/2017
Trung Quốc lại ồ ạt gom thủy sản Trung Quốc lại ồ ạt gom thủy sản

Xuất khẩu thủy hải sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhưng nhiều rủi ro, doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng khi làm ăn với thị trường này

05/09/2017
Xuất khẩu thủy sản: lánh khó, tìm dễ không phải là giải pháp Xuất khẩu thủy sản: lánh khó, tìm dễ không phải là giải pháp

Bỏ thị trường xa, truyền thống chỉ vì tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn để quay lại những thị trường gần, dễ tính là giải pháp quá dễ tìm ẩm rủi ro khó lường

05/09/2017