Xuất khẩu rau quả đã vượt kỷ lục 2016
Năm 2016, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 2,457 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả đã vượt qua kỷ lục nói trên và đang băng tới mục tiêu 3 tỷ USD.
* Sẽ tạo kỷ lục mới trên 3,5 tỷ USD
Phân loại trái thanh long
Theo Bộ NN-PTNT, trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, giá trị xuất khẩu rau quả trong 9 tháng qua đã vượt xa so với kỷ lục của cả năm 2016. Còn theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/9, giá trị xuất khẩu rau quả cả nước là 2,493 tỷ USD, cũng đã vượt so với giá trị xuất khẩu kỷ lục của năm ngoái.
Với giá trị xuất khẩu đạt được như trên, đến giờ này đã có thể khẳng định xuất khẩu rau quả cả năm nay chắc chắn sẽ vượt xa mốc 3 tỷ USD. Bởi trong 2 quý 2 và 3 vừa rồi, chỉ riêng tháng 6 giá trị xuất khẩu rau quả dưới 300 triệu USD, còn các tháng khác đều đạt giá trị ở mức trên 300 triệu USD.
Trong đó, giá trị xuất khẩu của tháng 5 đạt tới trên 372 triệu USD, là mức kỷ lục trong 1 tháng của xuất khẩu rau quả từ trước tới nay. Trong 3 tháng của quý 4, chỉ cần mỗi tháng đạt mức bình quân 300 triệu USD, thì xuất khẩu rau quả cả năm nay cầm chắc trong tay hơn 3,5 tỷ USD. Mà thông thường, nhu cầu của thị trường thường tăng cao trong những tháng cuối năm để phục vụ các dịp lễ, tết, xuất khẩu rau quả trong quý 4 thường đạt ở mức cao.
Xuất khẩu rau quả năm nay tăng trưởng mạnh nhờ sự tăng trưởng tốt từ hầu hết các thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, trong 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chỉ có Thái Lan là giá trị nhập khẩu bị giảm 7,83% so cùng kỳ năm ngoái, còn 9 thị trường khác đều tăng trưởng. Trong đó, tăng mạnh nhất là UAE (tăng 64,3%), tiếp đó là Nhật Bản (63,23%), Trung Quốc (62,51%), Nga (42,03%), Mỹ (25,78%), Đài Loan (15,98%)…
Ở các thị trường ngoài Top 10, phần lớn cũng đạt mức tăng trưởng tốt, trong đó có những thị trường đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng như Hồng Kông (90,56%), Ucraina (50,61%), Pháp (38,93%), Lào (38,9%), Úc (22,76%)…
Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm khoảng 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Trong đó, Trung Quốc vẫn chiếm vị thế áp đảo với 1,787 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm (chiếm hơn 76%). Đặc biệt, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đã vượt giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc trong cả năm ngoái (1,738 tỷ USD, là mức kỷ lục từ trước tới nay). Với đà xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang tăng trưởng rất tốt, chắc chắn hết năm nay, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ đạt hơn 2 tỷ USD.
Ở một số thị trường quan trọng khác, giá trị xuất khẩu đến thời điểm này cũng đã vượt qua giá trị xuất khẩu cả năm ngoái. Chẳng hạn, xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản trong cả năm 2016 là 75,137 triệu USD; 8 tháng đầu năm nay đã đạt 80,257 triệu USD…
Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu rau quả tăng trưởng rất ấn tượng, thì nhập khẩu rau quả cũng tăng mạnh không kém và đã vượt giá trị nhập khẩu của cả năm ngoái. Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm đến giữa tháng 9, nước ta đã nhập khẩu 1,085 tỷ USD rau quả, vượt qua giá trị nhập khẩu kỷ lục của cả năm ngoái là 925 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu đến từ Thái Lan với gần 618 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đa số hàng rau quả nhập khẩu từ Thái Lan (khoảng 90%) là dạng tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc.
Giải thích về điều này, một doanh nhân ngành rau quả cho biết, trước đây, Trung Quốc là thị trường lớn của rau quả Thái Lan. Nhưng do Thái Lan đang thu hẹp sản xuất đại trà để nâng cao chất lượng rau quả xuất khẩu, nên đã giảm xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường Trung Quốc bị thiếu hàng rau quả, nhiều thương nhân Việt Nam đã nắm bắt cơ hội nhập rau quả Thái Lan để tái xuất sang Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Qua hơn ba tháng thực hiện, mô hình đã đạt được hiệu quả khả quan và hy vọng sẽ được nhiều nông dân áp dụng.
Với giá từ 10 - 15 ngàn đồng/kg nghệ đỏ thương phẩm, bà con nông dân ở thôn Bình Sơn, xã Sa Bình có mức thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha
Hiện mỗi kg Lêkima 25.000 đồng, tăng gấp đôi so với các năm trước, người trồng khoảng 10 cây có thể thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng