Giá / Tin nông nghiệp

Xuất khẩu gạo vẫn còn cơ hội ở những thị trường truyền thống

Xuất khẩu gạo vẫn còn cơ hội ở những thị trường truyền thống
Tác giả: Văn Nguyễn
Ngày đăng: 17/06/2017

Ba mặt hàng nông sản là gạo, thủy sản và rau quả có kim ngạch XK lớn trong những năm qua và được đánh giá là còn nhiều tiềm năng trong những năm tới. Tuy nhiên... 

XK gạo của Việt Nam đang tìm lại cơ hội ở những thị trường truyền thống

Tuy nhiên, để tìm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng XK là điều không dễ nếu vẫn làm như cách cũ lâu nay. Thời hoàng kim của XK gạo đã qua được 2 năm khi Việt Nam đạt mốc XK 6 triệu tấn gạo, vươn lên “top” đầu thế giới về XK nông sản này. Nhưng từ đó đến nay, mặt hàng này đang gặp khó khi thị trường thu hẹp, nhiều quốc gia đã chủ động được nguồn cung.

Lo lắng thị trường bão hòa

Tại hội thảo “Triển vọng nông nghiệp Việt Nam 2017” mới đây tại Hà Nội do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN- NT (Ipsard) phối hợp Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Ipsard cho rằng, năm 2017 diễn biến về chính trị, kinh tế và thị trường thế giới phức tạp đã tác động lớn tới ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có XK gạo, rau quả, thủy sản…

“Các nền kinh tế mới nổi tập trung hơn vào phát triển thị trường nội địa; các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ, kinh tế Trung Quốc, thị trường mà nông sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn có mức tăng trưởng chậm hơn, chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa và gia tăng nhập khẩu từ các thị trường mới. Lo ngại hơn cả về thị trường XK nông sản lại rơi vào lúa gạo”, ông Tuấn cho hay.

Theo các chuyên gia, hiện thị trường chưa được cải thiện, nhiều nước chưa có kế hoạch NK gạo nên giá gạo duy trì đi ngang chứ rất khó tăng đột biến. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục diễn biến không thuận lợi do họ tăng cường quan hệ thương mại gạo với các nước XK khác (Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào) để đa dạng hóa nguồn cung cấp.

“Xu hướng suy giảm tiếp diễn cả về lượng lẫn giá trị XK gạo trong quý I/2017 đang báo hiệu một năm khó khăn nữa với XK gạo của Việt Nam”, ông Tuấn nhận định.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 4 cả nước XK được khoảng 1,78 triệu tấn gạo, tổng trị giá kim ngạch đạt 792,7 triệu USD, giảm lần lượt 10% về sản lượng và 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, XK gạo của Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ và các nước mới tham gia vào XK gạo như Campuchia, Myanmar.

Trong tương lai gần, các quốc gia có truyền thống NK gạo đang có những định hướng riêng. Đơn cử, Trung Quốc sẽ đa dạng hóa nguồn NK gạo; Philippines, Indonesia và Malaysia đang cố gắng tự cung tự cấp; thậm chí, Indonesia tham vọng XK 10.000 tấn gạo trong năm 2017.

TS. Sergio René Araujo, Ban Thương mại và Thị trường của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho hay, nhu cầu các sản phẩm nông sản trên thị trường thế giới, đặc biệt là gạo, có dấu hiệu bão hòa, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc do tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số chậm lại.  

Tìm cơ hội tại các thị trường truyền thống

Để duy trì được tốc độ tăng XK của hạt gạo trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các quốc gia trong khu vực, đại diện Ipsard cho rằng, cần phải có “kịch bản” phát triển cho ngành hàng gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, xác định lại cơ cấu thị trường; các vùng chuyên canh; cơ cấu giống; cơ cấu mùa vụ; nghiên cứ phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm từ lúa gạo.

Đánh giá về triển vọng ngành lúa gạo Việt Nam năm 2017,  bà Phạm Thị Kim Dung, đại diện Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Ipsard) cho biết, giá gạo trung bình năm 2017 giảm 2,7% so với năm 2016, sau đó tăng 6% trong năm 2018,

“Ngành lúa gạo Việt Nam cần tổ chức lại SX theo mô hình tập trung, theo chuỗi đặc biệt là khâu trung gian thương mại và chế biến, hoàn thiện những yếu kém nội tại SX còn manh mún, khâu chế biến chưa bảo đảm tính liên tục, chất lượng gạo chưa ổn định…”, theo bà Dung...

Từ những nhu cầu trên, các chuyên gia dự báo, các thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn còn dư địa XK gạo, quan trọng là chúng ta có nắm được cơ hội hay không.

Một thông tin tại Hội nghị gạo Thái Lan được Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức mới đây cho biết, 1,8 triệu tấn gạo cũ tồn kho của Thái Lan còn sử dụng được đã bán hết, tồn kho gạo mới không nhiều.

Đối với Việt Nam - nước XK gạo lớn thứ 3 thế giới, đến tháng 8/2017 mới thu hoạch vụ hè-thu nhưng sản lượng không lớn. Trong khi tồn kho của các DN không nhiều và lượng gạo này đã bán hết cho các thương nhân Trung Quốc, tuy chưa nhận hàng.

Còn đối với Ấn Độ - nước XK gạo số 1 thế giới đang lo cung ứng cho thị trường châu Phi. Là đất nước đông dân nên Ấn Độ không cam kết trách nhiệm gạo với thế giới, khi thấy tình hình căng thẳng nước này có thể sẽ ngừng XK gạo như 2008 đã từng làm.


Có thể bạn quan tâm

Trồng hoa mẫu đơn thu nhập gấp 5 lần lúa Trồng hoa mẫu đơn thu nhập gấp 5 lần lúa

Mẫu đơn là loài hoa khó có thể thiếu trong việc thờ cúng của người Việt nên nhu cầu thị trường là không nhỏ, nhất là ngày rằm, mùng 1 âm lịch...

17/06/2017
Cánh đồng lớn lúa thuần DQ11 năng suất cao Cánh đồng lớn lúa thuần DQ11 năng suất cao

Chế độ phân bón, nước tưới như bình thường, thế nhưng giống lúa thuần DQ11 trên đồng đất huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đạt năng suất 2,6 – 2,7 tạ/sào

17/06/2017
Các giống cà chua lai siêu chịu nóng Các giống cà chua lai siêu chịu nóng

Cà chua là cây ưa mát, song với sự ra đời của các bộ giống cà chua chịu nóng, nó có thể trồng ở vùng nhiệt đới nóng, nóng ẩm.

17/06/2017