Xuất Khẩu Cá Tra - Không Có Hàng Để Bán
Nhiều đoàn doanh nghiệp Mỹ, châu Âu tham dự triển lãm quốc tế thực phẩm nhà hàng và khách sạn đang diễn ra tại TP.HCM (28 – 30.9) đã tranh thủ tìm mua cá tra. Thị trường xuất khẩu đang khá sôi động, khách hàng cần mua số lượng lớn để bán vào mùa tiêu thụ cuối năm nhưng nguyên liệu cá lại thiếu trầm trọng…
“Chúng tôi vừa tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ. Họ yêu cầu mỗi tháng 20 container từ nay đến hết quý 1/2012 nhưng chúng tôi từ chối vì sợ không đủ nguyên liệu”, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang nói.
Đẩy giá giành hàng
Từ giữa tháng 9 đến nay, tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu cá tra ở các tỉnh ĐBSCL diễn ra khốc liệt. Ngày 29.9, giá cá tra cỡ nhỏ (800 gram/con) tăng thêm 1.000 đồng so với cuối tuần trước, lên mức 26.000 – 26.500 đồng/kg.
Ông Lưu Bách Thảo, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Việt An, cho rằng, mức giá trên do một số đại lý, doanh nghiệp thổi lên. “Nhiều doanh nghiệp có cách mua rất kỳ lạ, đẩy giá lên cao ở một vùng nào đó hai ba ngày rồi bỏ đi”, ông Thảo nói. Theo ông, đây là cách cạnh tranh giành phần rõ mười mươi, những trường hợp này thường rơi vào doanh nghiệp không có vùng nuôi riêng, hoặc các trung gian mua đi bán lại.
Theo số liệu của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), khu vực ĐBSCL có trên 120 nhà máy chế biến cá tra. Nhu cầu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu ba tháng cuối năm nay khoảng 5.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, đồng thời là chủ tịch uỷ ban Cá nước ngọt thuộc Vasep, cho rằng, từ tháng 10 trở đi khả năng cung cấp chỉ dừng lại ở con số dưới 4.000 tấn/ngày.
Không chỉ doanh nghiệp chưa có vùng nuôi riêng, mà ngay cả những đơn vị trước đây từng công bố chủ động 80 – 90% nguyên liệu nay cũng đang lâm vào cảnh đói nguyên liệu. Ở công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc cho biết, ba tháng cuối năm nay công ty bị mất cân đối 15.000 tấn nguyên liệu. “Chúng tôi liên hệ mua 3.000 tấn của dân, vẫn còn thiếu 12.000 tấn so với kế hoạch nên phải giảm lượng xuất khẩu từ 400 container/tháng xuống còn 350 container”, ông Minh nói.
Năm sau còn căng hơn
Số lượng giống cá tra làm ra không kịp so với nhu cầu nuôi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hiện nay. Sở dĩ có chuyện thiếu con giống do năm ngoái cá bố mẹ bị xẻ thịt bán vì người nuôi thua lỗ. Ông Dương Ngọc Minh cho biết, từ tháng 3 – 5 năm nay thị trường vắng bóng con giống. Tháng 6 – 8 mới có lại thì tỷ lệ chết trên 50% vì người nuôi “thúc” cho đẻ bằng kháng sinh. Không chỉ người nuôi nhỏ lẻ, ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu có tiềm lực cũng bị động vì rất ít đơn vị tự chủ con giống.
Tình hình sản xuất giống cá tra tại vùng đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang tê liệt hoàn toàn do nước lũ lên cao. Hầu hết các trại giống đang lo chống chọi với nước lũ, chủ trại phải dùng lưới quây bảo vệ cá bố mẹ. Có thể khẳng định, từ nay đến cuối năm 2011, hai vùng đầu nguồn vốn cung cấp thường xuyên 60 – 70% sản lượng giống cá tra cho các tỉnh ĐBSCL sẽ không thể nào làm ra con giống. Bởi như mọi năm, vào thời điểm này các trại đang đẩy mạnh sản xuất con giống để cung cấp nguyên liệu xuất khẩu cho quý 1 năm sau. Việc nhân giống sẽ kết thúc từ giữa tháng 10 đến hết năm vì cá bố mẹ hết trứng và nhiệt độ xuống thấp, nước lạnh, không ép đẻ được.
Hiện nay, theo người nuôi cá tra, lẽ ra giá cá giống phải giảm do các trại bán chạy lũ, nhưng do khan hiếm nên bị đẩy lên rất cao. Cách nay khoảng một tháng, cá giống trọng lượng 20 – 30 con/kg dao động 28.000 – 29.000 đồng/kg, nay tăng lên 36.000 đồng, loại 45 – 50 con/kg tăng 12.000 đồng lên 42.000 đồng/kg.
“Đầu tháng 10 gia đình tôi thu hoạch ao cá, nhưng với tình hình con giống kiểu này chắc phải nghỉ nuôi hai ba tháng”, ông Úc Anh, người nuôi cá ở cồn Tân Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ nói.
Vasep cho rằng không chỉ năm nay mà ngay cả quý 1 đầu năm sau, xuất khẩu cá tra cũng ít bị ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Ngoài thị trường truyền thống Mỹ, EU, năm 2011 doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, tình hình sản xuất con giống gặp nhiều khó khăn như hiện nay, chắc chắn không chỉ quý 1 mà trong cả năm 2012, dự báo nguyên liệu sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Trận lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua khiến ba phần tư diện tích Thái Lan ngập trong nước lũ và đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok
Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…
Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.