Xuất Hiện Một Số Đối Tượng Sâu Bệnh Hại Lúa Mùa
Hiện nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc gieo cấy trên 33.000ha lúa mùa, do ảnh hưởng thời tiết vụ mùa thường là vụ sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh trên cây lúa. Để nắm tình hình sâu bệnh gây hại, chỉ đạo phòng trừ kịp thời, từ ngày 8 đến 11-7, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức tổng điều tra đánh giá nguồn sâu bệnh đầu vụ mùa trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua điều tra cho thấy trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại trên lúa như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh sinh lý, chuột…
Đáng chú ý đối với sâu cuốn lá, sâu non đã xuất hiện trên tất cả các trà lúa, mật độ phổ biến 8 - 13 con/m2, cao 25 - 32 con/m2, cục bộ ổ 50 - 56 con/m2 xuất hiện ở Thanh Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Lâm Thao. Diện tích nhiễm 810 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình. Sâu đục thân 2 chấm gây hại nhẹ trên các trà lúa với tỷ lệ hại phổ biến 1,1 - 2,5%, cao 6,8 - 10,7%, cục bộ ổ 16,7 - 20% ở Thanh Sơn, Đoan Hùng, Tân Sơn.
Diện tích nhiễm 407 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ đến trung bình. Rầy lứa 4 gây hại nhẹ trên các trà lúa, mật độ phổ biến 80 - 120 con/m2, cao 250 - 320 con/m2, cục bộ ổ 800 - 1.000 con/m2 ở Tam Nông, Cẩm Khê, Yên Lập; rầy phát dục chủ yếu tuổi 1, 2; mật độ trứng trung bình 16 - 35 ổ/m2, cao 120 - 160 ổ/m2, cục bộ 232 - 256 ổ/m2 ở Yên Lập, Hạ Hòa với diện tích nhiễm 56 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ.
Bệnh sinh lý xuất hiện và gây hại nhẹ đến trung bình trên trà sớm, trà trung; tỷ lệ hại phổ biến 1,2 - 2,4%, cao 4 - 6%, cục bộ 30% ở Đoan Hùng, Lâm Thao, diện tích nhiễm: 241,7 ha. Chuột gây hại rải rác trên các trà lúa khu vực ven làng, ven đồi gò, ven bờ trục lớn; tỷ lệ hại trung bình 0,1 - 0,8%, cao 3,4 - 7,3%, cục bộ 17,4% ở Lâm Thao tổng diện tích nhiễm 128,2 ha. Ốc bươu vàng xuất hiện trên các trà lúa của hầu hết các huyện, mức độ hại nhẹ; mật độ phổ biến 0,5 - 1 con/m2, cao 3 - 4 con/m2 ở Tân Sơn, Đoan Hùng, Yên Lập, Việt Trì, diện tích nhiễm 1.644 ha.
Dự báo của Chi cục BVTV, trong thời gian tới, sâu cuốn lá tiếp tục gây hại nhẹ và chuẩn bị chuyển lứa. Dự kiến bướm cuốn lá ra rộ từ ngày 20 - 26/7, sâu non lứa 5 gây hại mạnh từ ngày 2-8 trở đi. Dự kiến diện tích cần phòng trừ trên 11.000 ha. Các huyện cần chú ý: Thanh Sơn, Yên Lập, Lâm Thao, Cẩm Khê, Phù Ninh, Hạ Hoà, Tam Nông...
Trong tháng 7, sâu đục thân 2 chấm tiếp tục phát triển ; sâu non gây dảnh héo trên các trà lúa từ ngày 10-8 trở đi. Dự kiến diện tích cần phòng trừ trên 5.000 ha. Các huyện cần chú ý: Thanh Sơn, Việt Trì, Phù Ninh, Tam Nông, Đoan Hùng...
Rầy non tiếp tục phát triển và gây hại nhẹ trên các trà lúa; Dự kiến rầy cám lứa 5 rộ từ ngày 5-8 đến 10-8, rầy non gây hại trên các trà lúa từ ngày 15-8 trở đi. Dự kiến diện tích cần phòng trừ 5.000 ha. Các huyện cần chú ý: Tam Nông, Yên Lập, Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Sơn...
Bệnh sinh lý sẽ giảm trong thời gian tới do thời tiết thuận lợi và cây lúa vào giai đoạn phát triển mạnh; bệnh sẽ gây hại cục bộ trên những ruộng dộc chua, ruộng cao hạn thiếu nước. Chuột tiếp tục tích lũy và gia tăng gây hại thời gian tới; đặc biệt các ruộng lúa thơm, ruộng ven làng, đồi gò, kênh mương, đường lớn.
Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV, các địa phương cần tiếp tục theo dõi, chủ động phòng trừ sâu cuốn lá vào đầu tháng 8. Hiện tại không nên phun thuốc thời điểm này (trừ những ruộng có mật độ trên 50 con/m2) do: Mật độ sâu thấp dưới ngưỡng phòng trừ, lúa ra lá nhanh có khả năng đền bù thiệt hại tốt, không ảnh hưởng tới năng suất. Mặt khác phun thuốc sớm đầu vụ dễ xảy ra bùng phát rầy gây hại cuối vụ và còn gây tốn kém về kinh tế, độc hại tới sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường.
Đối với sâu đục thân 2 chấm, tiếp tục theo dõi, không nên phun thuốc trừ sâu đục thân đợt này do mật độ sâu thấp, dưới ngưỡng phòng trừ, hiệu quả phun thấp. Khi bón phân, làm cỏ tiến hành cắt sát gốc các dảnh héo đem phơi khô. Tiếp tục theo dõi, không phun thuốc trừ rầy đợt này do mật độ thấp, dưới ngưỡng phòng trừ.
Đối với bệnh sinh lý cần thay đổi môi trường (tưới đủ nước trên ruộng hạn, tháo phơi ruộng trên ruộng chua lầy), kết hợp bón bổ sung vôi, sục bùn. Ruộng bị nặng, phun thuốc Antracol 70WP hoặc phân bón lá như: K-H, Pomior, Seaweed XO... theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì. Hiện tại đang là thời điểm đánh chuột hiệu quả do chuột dễ ăn mồi bả (khi lúa làm đòng chuột sẽ ít ăn mồi bả), làm giảm số chuột sinh sản trong cả vụ…
Các địa phương cần tổ chức đánh chuột tập trung, sử dụng thuốc Rat K 2%D trộn với thóc luộc nứt nanh để diệt chuột, vừa có hiệu quả cao, rẻ tiền và an toàn. Áp dụng các biện pháp thủ công như bắt ốc bươu vàng, thu gom, tiêu diệt ổ trứng. Hạn chế phun thuốc tránh tốn kém, độc hại do ốc ít có khả năng gây hại thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ NNPTNT, chất cấm trong chăn nuôi hiện nay có 3 chất chính là: Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine (thuộc nhóm Beta-agonist). Từ năm 2002, Việt Nam đã đưa các chất này vào danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Suốt 14 năm qua, hàng chục hộ dân mua nền nhà dự án ở kênh Tân Hóa thuộc phường Tân Thới Hòa, Q. Tân Phú (TPHCM) lâm cảnh điêu đứng vì đã mua nền cất nhà được 14 năm nhưng không được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở. Có ít nhất 3 đối tượng NNVN xác định được đã đẩy cả trăm người dân lâm vào cảnh khổ sở này nhưng đến nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật!
Theo đó, thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 5 - 6/2012. Về phương pháp thực hiện, tùy theo điều kiện từng địa phương có thể tiến hành đồng loạt hoặc “cuốn chiếu”. Về kinh phí, sẽ sử dụng từ nguồn ngân sách phòng chống dịch của huyện.