Xử Lý Mãng Cầu Ra Hoa Trái Vụ
Hiện nay, mãng cầu đang chuẩn bị ra hoa và nông dân sẽ thu hoạch trái vào tháng 6, 7. Tuy nhiên, vào thời điểm này cũng là mùa của nhiều loại trái cây khác nên giá mãng cầu thường rẻ (khoảng 3.000 đồng/kg), nên thu nhập của nông dân không cao.
Để giúp cho nông dân có thu nhập cao hơn, Trung tâm phát triển Kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận (SEDEC) đã cùng Hội nông dân xã Hồng Sơn ứng dụng thử nghiệm mô hình cho mãng cầu ra hoa trái vụ. Mô hình đã được triển khai được 3 năm và đến nay đã đạt được một số kết quả rất khích lệ.
Anh Trương Thạnh (thôn 4, xã Hồng Sơn) cho biết: "Trước đây, khi chưa có dự án, tôi chỉ làm một vụ một năm trên diện tích 2,5 sào (2.500 m2), thu hoạch được khoảng 1.400 kg, với bán giá 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 3-4 triệu đồng".
Sau khi được sự hỗ trợ của SEDEC về kỹ thuật cho mãng cầu ra hoa trái vụ và được đi học hỏi kinh nghiệm ở Tây Ninh, anh bắt đầu làm trái vụ. Năm 2005, sau khi thu hoạch vụ chính được 4 triệu đồng, anh cho mãng cầu ra hoa trái vụ. Do mới bắt đầu làm chưa có kinh nghiệm, anh chỉ thu hoạch được khoảng 770 kg, với giá bán 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu được lãi 6 triệu đồng. Như vậy, trong năm 2005 anh thu lãi cả 2 vụ là 10 triệu đồng. Năm 2006, anh tiếp tục làm cả chính vụ và trái vụ. Chính vụ anh lãi được 5,5 triệu đồng và trái vụ anh lãi được 10,3 triệu đồng. Như vậy trong năm 2006, anh thu lãi được 15,8 triệu đồng. Năm 2007, anh chỉ làm chính vụ mà không làm trái vụ vì theo anh "phải để cho cây nghỉ một năm rồi sang năm làm lại".
Theo hướng dẫn kỹ thuật của SEDEC và kinh nghiệm của nông dân thì chỉ nên xử lý cho mãng cầu ra hoa trái vụ đối với những cây đã hơn 5 tuổi. Sau khi thu hoạch vụ chính xong, ta tỉa cành, tạo tán, loại bỏ các cành bị sâu bệnh và trái non. Tiếp đó bón phân chuồng hoặc bón nhiều đạm và lân cho cây phục hồi sức khoẻ.
Vào thời điểm tết Trung thu (rằm tháng 8), ta bắt đầu hái lá (như hái lá cây mai) hoặc phun thuốc diệt cỏ ở nồng độ thấp cho cháy trụi toàn bộ lá. Sau đó, ngừng tưới nước khoảng 1 tuần và phun thuốc ngừa sâu bệnh. Lúc này, nên bón đạm thấp lại và tăng lượng lân và kali. Theo nông dân Hồng Sơn thì lượng phân bón cho một gốc cây là khoảng 10-15 kg phân chuồng ủ hoai, 300-400g NPK (20-20-15), 1kg lân, 1kg phân hữu cơ và khoảng 100g Urê sữa. Và sau đó, cứ khoảng 10-15 ngày thì bón lại. Trung bình bón khoảng 8-10 đợt cho đến lúc thu hoạch.
Sau khi lá rụng, khoảng nửa tháng sau cây bắt đầu ra hoa và sau khoảng 3 tháng 10 ngày thì thu hoạch trái. Trong thời gian này cần phòng trừ rệp sáp, sâu đục trái, và một số loại côn trùng gây hại khác. Nếu trên một chùm có quá nhiều trái thì phải tỉa bỏ hết, chỉ để lại 1,2 trái khoẻ để trái phát triển to và nhanh hơn. Khi thấy mãng cầu đã nở gai, vỏ chuyển màu vàng, rãnh giữa các múi to, đầy lên thì nên thu hoạch, không nên để chín cây. Thời điểm tốt nhất để thu hoạch là vào lúc sáng sớm và nên lót lá mềm khi xếp trái vào giỏ để tránh bị dập trái khi chín.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm hiện nay, nông dân huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã thu hoạch xong vụ mì 2012 - 2013, với tổng diện tích hơn 2.600 ha, năng suất bình quân đạt 19 tấn/ha. Mặc dù năng suất giảm 20% so với vụ trước, nhưng nhờ được giá nên hộ trồng mì vẫn lãi từ 12 đến 14 triệu đồng/ha.
Công ty TNHH Thái An (tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn - Bình Định, viết tắt là Công ty Thái An), chuyên nuôi gà thương phẩm và gà giống vừa đầu tư 2 dây chuyền tự động tải thức ăn nuôi gà. Hệ thống được lập trình sẵn, giúp giảm nhiều lao động, tăng lợi nhuận cho người nuôi gà theo phương thức công nghiệp.
Anh Nguyễn Đức Dũng (51 tuổi) ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) đã đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với mô hình trồng hồ tiêu trên trụ cây cóc rừng.