Giá / Tin thủy sản

Xử lý hiện tượng dính chân trong ương giống

Xử lý hiện tượng dính chân trong ương giống
Tác giả: Thái Thuận
Ngày đăng: 13/01/2022

Ấu trùng tôm bị dính chân là hiện tượng phổ biến xảy ra trong quá trình ương. Bệnh xảy ra ở tất cả các giai đoạn từ Nauplius cho tới Post, nhiều nhất ở giai đoạn Zoea, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất.

Nguyên nhân

Hiện tượng ấu trùng tôm bị dính chân do nhiều nguyên nhân gây ra:

– Trước khi thả, ấu trùng Nauplius không được tắm kỹ, khiến chúng bị dính bởi phân và một số dịch tố có trong bể đẻ, ấp.

– Nguồn nước chưa được xử lý kỹ nên chất lượng nước đầu vào không tốt, tạo thành màng nhầy nhớt ở trong nước.

– Người nuôi cho ăn tảo khô Spirulina quá sớm với liều lượng nhiều khiến chúng bị dư thừa, tạo chất nhày bám dính vào chân và phụ bộ của ấu trùng.

– Tảo tươi trong bể ương không đảm bảo được chất lượng.

– Sử dụng các loại thức ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

– Chất nhày nhớt cũng được sinh ra từ vỏ Artemia.

– Quá trình quản lý, thay nước trong ương nuôi không tốt. Khi môi trường nước xấu đi do tảo, thức ăn hay phân làm môi trường nước ô nhiễm dẫn đến hiện tượng ấu trùng tôm dính vào nhau thành từng cục làm ấu trùng không thể bơi, không bắt mồi và chết dần.

Xử lý

Khi ấu trùng bị dính chân cần giảm lượng thức ăn nhất là lượng tảo khô. Sử dụng hóa chất tẩy chất bẩn bám trên ấu trùng. Tùy mức độ ô nhiễm của nước để thay nước từ 20 – 50%, kết hợp với vi sinh nhằm phân hủy nhanh chất bẩn và giúp vi sinh vật có lợi phát triển. Bổ sung EDTA, liều 10 – 30 ppm, Vitamin C, Vitamin tổng hợp giúp ấu trùng chống sốc môi trường. Nếu môi trường nước quá xấu, nước bẩn tạo thành sợi thì sử dụng lưới bắt để loại bỏ chất bẩn ra khỏi bể ương.

Phòng tránh

Sau khoảng 30 – 32 giờ thu Nauplius trong bể cho vào chậu, tiến hành sục khí nhẹ để giúp ấu trùng phân bố đều. Sau đó, cần xử lý ấu trùng trước khi thả vào bể nuôi để ngăn ngừa mầm bệnh. Tắm ấu trùng trong nước có chứa Formalin nồng độ 200 – 300 ppm (200 – 300 ml Formalin/m3 nước) trong thời gian 30 giây hoặc tắm bằng Iodine nồng độ 0,1 ppm trong 15 phút. Trong quá trình thuần hóa, xử lý, cần thay đổi toàn bộ nước đựng ấu trùng từ trại tôm bố mẹ, mọi thao tác phải được thực hiện nhanh gọn, nhẹ nhàng, hạn chế tối đa việc đưa ấu trùng ra khỏi môi trường nước.

Nước cần được xử lý kỹ trước khi thả Nauplius bằng việc sử dụng Chlorine lọc qua lõi lọc trước khi cho vào bể ương.

Thức ăn nuôi ấu trùng gồm nhiều loại phù hợp với từng giai đoạn khác nhau như tảo tươi, tảo khô, thức ăn tổng hợp, thức ăn chế biến, Artemia. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thức ăn tổng hợp dạng vi nang được dùng bổ sung thay thế một phần hoặc thay thế toàn bộ thức ăn tươi tự nhiên và cho kết quả tốt. Tuy nhiên nên kết hợp thức ăn tự nhiên và thức ăn tổng hợp khô để nuôi ấu trùng thì chất lượng con giống và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tảo tươi là thành phần thức ăn bắt buộc trong giai đoạn Zoae 1 – Zoae 3 và được duy trì cho đến cuối giai đoạn Mysis. Lưu ý khi cho ăn tảo tươi thì cần lựa chọn loại chất lượng tốt không có chứa tạp chất.

Sử dụng trứng Artemia chất lượng cao, đã được xử lý trước khi cho ăn.

Trong quá trình sống và phát triển, ấu trùng sẽ thải phân và vỏ (do lột xác) làm bẩn nước nuôi. Vì vậy hàng ngày phải tiến hành vệ sinh, thay nước để đảm bảo chất lượng nước tốt.

– Xiphong đáy: Giảm nhẹ sục khí, dùng ống xiphong hút ra toàn bộ đáy bể, loại bỏ hết cặn bã, thức ăn dư thừa, vỏ và xác ấu trùng chết ra ngoài qua vợt, thu ấu trùng còn sống thả lại bể nuôi.

– Thay nước: Dùng dụng cụ thay nước hút nước ra ngoài đến mức cần thay, sau đó cấp nước mới có cùng điều kiện thủy, lý, hóa vào (để tránh xảy ra sự thay đổi đột ngột về môi trường).

– Kích thước mắt lưới sử dụng cho dụng cụ thay nước và lượng nước cần thêm, hoặc thay trong các giai đoạn ấu trùng như sau: Giai đoạn Zoae 2 và Zoae 3: lượng nước cần thêm 20%; giai đoạn Mysis 1 – PL1: kích thước mắt lưới là 500 μm và cần thay 20 – 30% lượng nước; giai đoạn PL1 – PL5: kích thước mắt lưới là 700 μm và cần thay 40 – 60% lượng nước.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá hồi trong bể cạn - điều điên rồ thành sự thật Nuôi cá hồi trong bể cạn - điều điên rồ thành sự thật

Một trang trại cách Miami (Florida, Mỹ) tầm 40 dặm về phía tây nam đã làm được điều tưởng như điên rồ - nuôi cá hồi trong bể cạn.

13/01/2022
Biện pháp chọn và thả cá giống hiệu quả Biện pháp chọn và thả cá giống hiệu quả

Các tiêu chuẩn của cá giống thả nuôi? Cách thả cá giống đạt tỷ lệ sống cao?

13/01/2022
Xử lý và tái sử dụng nước thải nuôi tôm sú Xử lý và tái sử dụng nước thải nuôi tôm sú

TS Lê Hữu Quỳnh Anh tại Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cùng các cộng sự đã hoàn thành đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình điển hình xử lý

13/01/2022