Giá / Tin nông nghiệp

Vượt lên bão dịch, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn hiệu quả cao

Vượt lên bão dịch, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn hiệu quả cao
Tác giả: Đồng Văn Thưởng - Âu Văn Vượng
Ngày đăng: 04/06/2020

Trong bối cảnh người người kêu gọi giải cứu gia cầm vì giá bán quá thấp thì mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học vẫn tiêu thụ tốt với giá ổn định.

Nhờ chăn nuôi an toàn sinh học mà đàn gia cầm của tỉnh Thái Nguyên phát triển khá tốt.

Trải sỏi cho gà chạy bộ

Giữa năm 2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, cung cấp thực phẩm cho chuỗi cửa hàng, siêu thị nông sản sạch và bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh”.

Dự án chọn 5 hộ dân chăn nuôi gà thuộc xóm Hiệp Hòa (xã Phủ Lý, huyện Phú Lương) để tiến hành hỗ trợ. Mục tiêu của Dự án là nhằm thúc đẩy việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gà an toàn sinh học và giúp đỡ các hộ chăn nuôi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Ly là tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, trước đây các thành viên trong tổ hợp tác đã là những hộ chăn nuôi có quy mô lớn. Tuy nhiên, vì chăn nuôi riêng lẻ nên mỗi hộ một giống, mỗi nhà một cách nuôi, mạnh ai nấy lo nên chăn nuôi không hiệu quả.

Việc thành lập tổ hợp tác đã hình thành cơ quan hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các thành viên trong tổ.

Trên cơ sở khai thác và cam kết chất lượng với đơn vị thu mua sản phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản đã kết nối để tiêu thụ sản phẩm cho tổ hợp tác, cung cấp thịt gia cầm cho các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chị Đào Thị Liễu là tổ phó tổ hợp tác cho biết, cơ hội Nhà nước hỗ trợ đã có nhưng tổ phải ý thức được trách nhiệm gìn giữ và phát huy nó. Với 5 thành viên, sản lượng xuất chuồng của tổ là 2,5 vạn con gà/năm.

Chỉ tính riêng khách hàng lớn là siêu thị Minh Cầu (TP Thái Nguyên) theo hợp đồng đã ký thì năm 2020, đơn vị này sẽ thu mua gần 2 vạn con gà. Khách hàng bao tiêu sản phẩm cũng đưa ra những yêu cầu chặt chẽ và sẵn sàng hủy hợp đồng nếu chất lượng thực phẩm không đảm bảo. Chính vì vậy mà các thành viên trong tổ đều nhất nhất đảm bảo quy trình, kỹ thuật chăn nuôi đã được tập huấn.

Ông Nguyễn Văn Loan, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi xóm Hiệp Hòa cho biết, đàn gà của tổ hợp tác được chăn nuôi chủ yếu từ các nguồn thức ăn tự nhiên. Người chăn nuôi chỉ duy nhất một lần tiêm phòng vacxin cho gà mới nở.

Trong cả quá trình chăn thả còn lại, gà được phòng bệnh bằng cách dùng tỏi để thay các loại thuốc kháng sinh. Gà đến 1,5 tháng tuổi thì thả ra vườn để tạo cơ săn chắc, khỏe mạnh. Các  hộ còn mua sỏi về đổ lên đồi để tạo thành bãi chăn thả đàn gà lý tưởng như trong tự nhiên.

Mỗi lần xuất bán gà, cán bộ của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản Thái Nguyên cũng như khách hàng bao tiêu sản phẩm đều kiểm định kỹ chất lượng sản phẩm. Cho đến nay, chưa có lô hàng nào bị hủy. Trong khi đó, giá bao tiêu được ký cả năm với giá cao hơn mức giá thị trường.

Đào giếng khoan lấy nước cho vịt tắm

Dự án Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn cung cấp thực phẩm cho chuỗi cửa hàng, siêu thị nông sản sạch và bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn được triển khai tại 5 hộ dân thuộc xóm Làng Chảo (xã Động Đạt, huyện Phú Lương).

Tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đã được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt theo chuẩn VietGAPH; tập huấn nghiệp vụ quản lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; thiết kế, in ấn tem truy xuất nguồn gốc; kết nối ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa tổ hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản trong tỉnh.

Ông Vi Văn Thái là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi an toàn sinh học xã Động Đạt cho biết, tham gia tổ hợp tác, các thành viên có điều kiện thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật cho nhau, thống nhất được giá cả, tránh mỗi người bán một giá làm nhiễu loạn thị trường…

Ông Đào Đình Du là thành viên tổ hợp tác cho biết, thực chất của quy trình kỹ thuật là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh, đảm bảo gia cầm phát triển khỏe mạnh, không dịch bệnh…Chính vì vậy đối với chăn nuôi vịt, các hộ đều sử dụng nguồn nước giếng khoan cho vịt tắm.

Việc tham gia tổ hợp tác đã đem lại nhiều lợi ích cho các hộ dân mà trọng tâm là góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Ông Nông Văn Thành- một tổ viên cho biết, trước đây gia đình ông chủ yếu chăn thả vịt tự do. Cách làm này khá vất vả, không kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống chỉ đạt khoảng 70-85%.

Thực hiện theo kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học của ngành NN- PTNT, tỷ lệ vịt sống đạt tới 95%. Hơn thế, vịt xuất bán cân nặng đồng đều hơn, trung bình 3,2kg/con. Giá thành nuôi 1 con vịt khoảng 88 nghìn đồng/con (thấp hơn 5 - 7 nghìn đồng so với phương pháp truyền thống). Trong khi giá vịt ngoài thị trường xuống tới 25 - 30 ngàn đồng/kg thì giá bán của tổ hợp tác vẫn đạt  40 ngàn. 

Đàn vịt được chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ nên ít dịch bệnh, lớn nhanh.

Ông Nguyễn Công Hoan - Chủ tịch UBND xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho biết, bên cạnh nâng cao hiệu quả kinh tế, khi tham gia dự án và thành lập tổ hợp tác, xây dựng thương hiệu, đầu ra của sản phẩm cũng được mở rộng. Nếu trước kia các hộ chăn nuôi chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái thì nay đã có cơ hội cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể với khối lượng lớn.

Có thể nói, việc liên kết chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, vì thế từ đầu năm đến nay các tổ viên đã phải giảm tổng đàn.

Tuy nhiên, về định hướng phát triển chăn nuôi thời gian tới, các tổ viên đều khẳng định sẽ tiếp tục liên kết chăn nuôi an toàn sinh học và hướng tới chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAPH.

Ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, thị trường luôn luôn có nhu cầu tiêu dùng những nông sản an toàn. Cơ sở để dự án triển khai thành công chính là yếu tố kỹ thuật được áp dụng trong một tổ nhóm, từ đó tạo ra sản phẩm có quy mô và chất lượng ổn định.

Xuất phát từ quan điểm, muốn đi xa thì phải đi nhiều người, việc kết nối chính là hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục mở rộng kết nối. Song hành với hoạt động đó là nâng cao quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao hạ tầng cơ sở cho người chăn nuôi.

Tất cả theo đuổi mục tiêu trọng tâm là thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, minh bạch hóa quá trình sản xuất cho các cá nhân, tập thể tham gia vào chuỗi cung ứng nói trên.


Có thể bạn quan tâm

Tăng năng lực cạnh tranh sản xuất mía đường nhờ ứng dụng công nghệ mới Tăng năng lực cạnh tranh sản xuất mía đường nhờ ứng dụng công nghệ mới

Công nghệ thông tin đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh

04/06/2020
Nâng cao thu nhập nhờ ghép hoa giấy Nâng cao thu nhập nhờ ghép hoa giấy

Anh Nguyễn Phước Đạt ở phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp không ngừng tìm tòi, lai ghép và tạo ra những chậu hoa giấy có nhiều màu sắc khác nhau..

04/06/2020
Trồng khoai lang giống mới, lãi gấp đôi cây lạc Trồng khoai lang giống mới, lãi gấp đôi cây lạc

Tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), khoai lang KL20-209 cỏ to đều năng suất đạt 5-6 tạ/sào, còn giống khoai lang Hoàng Long đạt 4-5 tạ/sào.

04/06/2020