Giá / Tin nông nghiệp

Vườn thủy canh 1.000 m2 ươm 7 loại xà lách ngoại ở An Giang

Vườn thủy canh 1.000 m2 ươm 7 loại xà lách ngoại ở An Giang
Tác giả: Hương Giang
Ngày đăng: 17/05/2018

Khu vườn cung cấp 40 kg xà lách mỗi ngày; 1,5 tấn rau các loại mỗi vụ cho cửa hàng, siêu thị ở An Giang, Phú Quốc, TP HCM.

Anh Trường mất một năm tìm hiểu và thử nghiệm trước khi nhân trồng 1.000 m2 rau thủy canh . Ảnh: Bizmedia

Vườn rau thủy canh của anh Trần Võ Nhật Trường nằm ngay trên đường tỉnh lộ 943, Thoại Sơn, An Giang. Tại đây, anh đang trồng 7 loại xà lách khác nhau cùng một số rau ăn lá như cải bó xôi, cải cầu vồng, cải xoong…

Toàn bộ rau được trồng trong các ống máng dẫn nước chảy liên tục trong nhà màng và không cần đến đất. Thay vì trồng rau trong ly nhựa chứa giá thể xơ dừa như các mô hình thủy canh khác, anh Trường chọn trồng cây trên các miếng mút xốp.

“Các tấm xốp này mua từ đơn vị bán giống, chứa phân dinh dưỡng nhập từ Hà Lan đảm bảo các tiêu chuẩn trồng trọt”, anh Trường cho biết.

Theo anh Trường, xốp ươm cây non có ưu điểm là không tốn công xử lý nấm, vi khuẩn như xơ dừa. Nhờ đó, tiết kiệm được nhân công và diện tích trồng, thu hoạch thuận tiện. Đồng thời, tấm xốp giữ ẩm tốt hơn xơ dừa trong điều kiện thời tiết An Giang nắng nóng.

Ngoài ra, tấm xốp giúp rau có bộ rễ phát triển rộng, cây dễ lấy chất dinh dưỡng. Anh Trường đã trồng thử nghiệm nhiều lần theo cả cách trồng trong ly và trên miếng xốp. Kết quả cho thấy, phương pháp hiện tại tiết kiệm được một nửa chi phí nhân công ở khâu trồng, thu hoạch, vệ sinh cuối vụ. 

Các loại xà lách được trồng phổ biến tại vườn thủy canh.

Nông trại 1.000 m2 được vận hành từ đầu năm 2018 với tổng chi phí đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Hiện mỗi ngày, khu vườn cung cấp đều đặn 40 kg xà lách; 1,5 tấn rau các loại cho các cửa hàng, siêu thị ở An Giang, Phú Quốc, TP HCM. 

Giá từng loại rau dao động từ 36.000 đến 45.000 đồng mỗi kg tùy thời điểm. Điều anh tâm đắc nhất là trồng được các loại rau ôn đới ở vùng nhiệt đới An Giang như rau xà lách osalad tím, lô lô tím...

Chia sẻ về lý do lựa chọn cây xà lách, anh Nhật cho biết, An Giang khí hậu nắng nóng hầu như không trồng được xà lách, trong khi thị trường có nhu cầu lớn. Xà lách tiêu thụ trên địa bàn chủ yếu vận chuyển từ Đà Lạt về, giá rau cao do "đội" chi phí vận chuyển. Theo anh Trường, nông trại của anh có lợi thế sản xuất sạch và tại chỗ, nên xà lách có giá cạnh tranh với các loại rau nhập từ Lâm Đồng.  

Trước đó, anh dành khoảng 6 tháng để đi học hỏi kinh nghiệm canh tác rau xà lách từ nhiều nơi. Đến năm 2017, anh thử nghiệm mô hình nhỏ trong 6 tháng, thành công mới bắt đầu mở rộng.

Cây non ươm mầm trên tấm xốp tại vườn rau Nhật Trường. Ảnh: Bizmedia

Anh Trường nhớ lại thời điểm mới bắt đầu, cung vượt cầu, nên rau chủ yếu được làm quà biếu, giới thiệu thị trường. Còn nay, để có rau cung cấp đều đặn hàng ngày cho thị trường, anh Trường phải phân khu vực cây theo ngày tuổi và trồng gối liên tục.

Tại nhà màng ươm giống bên ngoài, anh đang thử nghiệm các loại xà lách mới. Sau 7-14 ngày, cây lên mầm ra rễ được đưa vào nhà màng trồng rau thương phẩm. Các tấm xốp chứa cây con được thả trực tiếp trên bồn nước dinh dưỡng. Để không khí nhà ươm đủ ẩm, hệ thống tưới phun sương tự động bật lúc 9h, chỉ cần điều khiển qua màn hình điện thoại.

Trong nhà màng trồng rau thương phẩm, các lối đi được rải sỏi để hạn chế cỏ, bụi bệnh từ đất, đồng thời giữ rau sạch, thuận tiện cho thu hoạch vào mùa mưa. Dọc theo các lối đi, đường ống chính được bọc tấm chống nóng để làm mát nước lưu chuyển. Nguồn nước sử dụng từ nhà máy sẽ đi qua hệ thống lọc để loại bỏ bớt cát, cặn có thể lắng, kiểm nghiệm 6 tháng mỗi lần.

“Trước đây, tôi đi tham quan các mô hình ở Đà Lạt, chuẩn bị kiến thức, rồi mới làm thử, nhưng hàng tháng trời không có rau ăn. Nếu chỉ nhìn thôi thì rất khó bắt chước làm, phải có kiến thức, tìm hiểu từ trước và đam mê thì mới có trồng được rau thủy canh”, anh Trường chia sẻ.

Ngoài nông trại, anh còn làm thêm các mô hình trồng rau thủy canh cho nhà phố với diện tích 2,5m2 theo đặt hàng của người quen, bạn bè. Năm tới, anh dự định sẽ xây thêm nhà sơ chế ngay cạnh vườn rau để hoàn thiện quy trình đóng gói tại chỗ.


Có thể bạn quan tâm

Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (15 – 21/5) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (15 – 21/5)

Tại các tỉnh phía Bắc, sâu cuốn lá nhỏ hại lúa diện hẹp, đặc biệt đối với các tỉnh đồng bằng, ven biển như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng.

17/05/2018
Ứng dụng 'trồng rau ảo, thu hoạch rau thật' thời nông nghiệp 4.0 Ứng dụng 'trồng rau ảo, thu hoạch rau thật' thời nông nghiệp 4.0

eGarden cho phép người dùng chăm sóc, quản lý và có rau xanh cho bữa ăn mỗi ngày từ "khu vườn ảo" qua màn hình điện thoại thông minh

17/05/2018
'Cao thủ' nuôi đàn vịt trời vạn con ở Bắc Ninh 'Cao thủ' nuôi đàn vịt trời vạn con ở Bắc Ninh

Mỗi năm, 25 vạn con vịt trời mang lại cho anh Nguyễn Đăng Cường thu nhập tiền tỷ.

17/05/2018