Giá / Mô hình kinh tế

Vườn sầu riêng 5 ha bên hồ Thác Mơ, thu 2 tỷ đồng /năm

Vườn sầu riêng 5 ha bên hồ Thác Mơ, thu 2 tỷ đồng /năm
Tác giả: Kim Tiền
Ngày đăng: 08/08/2017

Từ chuyến đi thăm bạn, anh Toàn đã bén duyên với vùng quê mới trên đất Bàu Nghé. Vượt qua khó khăn thử thách, anh trở thành tỷ phú sầu riêng bên bờ hồ Thác Mơ.

Anh Toàn bên những trái sầu riêng

Nói về thu nhập từ vườn sầu riêng của gia đình, anh Nguyễn Quốc Toàn (47 tuổi) ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước ví von: "Mỗi năm, tôi trúng một tờ vé số. Lợi nhuận trung bình thu được từ vườn sầu riêng khoảng 2 tỷ đồng/năm".  

Bén duyên với sầu riêng

Từ thị xã Đồng Xoài, chúng tôi hỏi thăm đường về nhà anh Toàn ở thôn Bàu Nghé. Con đường từ phường Phước Bình về xã Phước Tín rất khó đi do mưa lầy và đường đang tu sửa. Riêng đoạn đường thuộc Phước Tín thì lổm chổm những ổ gà như muốn hất văng tay lái. Vượt qua những đoạn đường xuống cấp, trước mắt chúng là những cây sầu riêng cao, to, tán rộng và nặng trĩu quả. Mùi sầu riêng lan tỏa khắp khu vườn, quyện hương cả vào vạt áo người dưới gốc.

Anh Toàn kể rằng quê mình ở mãi tận ngoài Thanh Hóa. Gia đình đông anh em, đất đai ít, lại không có nghề phụ nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh cùng vợ vào Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp. Một lần lên thăm bạn đồng ngũ ở Bầu Nghé, Toàn được thưởng thức hương vị sầu riêng của “vua sầu riêng” xứ này là ông Ba Đảo. Hương vị đậm đà, khó tả của sầu riêng cùng với khung cảnh thanh bình của vùng đất Bầu Nghé, nơi được coi là vùng bãi bồi màu mỡ của lòng hồ thủy điện Thác Mơ đã làm Toàn mê đắm. Anh thầm nhủ sẽ ở lại với Bầu Nghé, làm bạn với sầu riêng. “Hương vị sầu riêng rất lạ, thơm, béo ngậy. Tôi như mê say luôn và từ đây tôi quyết định ở lại với đất Bàu Nghé để trồng và làm bạn với sầu riêng”, anh Toàn bộc bạch.

Quyết là làm, anh trở về bàn với vợ, thu dọn đồ lên Bình Phước. Mới đầu vợ Toàn tỏ ra khá lo lắng vì “cuộc di cư” lần thứ hai này của anh biết sẽ hứa hẹn điều gì. Nhưng chiều theo ý chồng, năm 2001 chị khăn gói theo anh lên Bàu Nghé. Dùng tất cả số tiền tích cóp bấy lâu cộng với vay mượn thêm anh em, bạn bè vợ chồng Toàn mua được 6ha đất ven lòng hồ.

Toàn bắt tay ngay vào trồng cấy với sự quy hoạch rõ ràng: 0,5ha ven mép hồ trồng cao su bao bọc vườn, 0,5ha bên cạnh trồng tiêu và dành hẳn 5ha trồng sầu riêng. Chia sẻ về lý do dành nhiều đất cho cây sầu riêng, anh Toàn nói: “Tôi để 5ha đất để trồng sầu riêng vì tôi mê hương vị của nó. Tôi hy vọng cây trồng này sẽ cho thu nhập cao”.

Tới đất Bàu Nghé để đầu tư vào một loài cây mới, anh Toàn rất bỡ ngỡ. May mắn thay, anh lại là hàng xóm của ông Ba Đảo nên Toàn đã học hỏi được rất nhiều từ kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sầu riêng lớn nhanh, lớn đều. Từ đó đến nay 16 năm đã đi qua, vườn sầu của anh Toàn đã cho 8 vụ trái trúng. Mỗi năm vợ chồng anh Toàn thu về 2 tỷ đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình trở nên cải thiện hơn rất nhiều. Anh đầu tư cho hai cô con gái ăn học tử tế và gửi tiền về xây nhà cho ba mẹ già ngoài quê. Nhờ cái “duyên” rất tình cờ ấy, anh Toàn đã trở thành tỷ phú sầu riêng.  

Không ngừng chia sẻ kinh nghiệm

Để đạt được thành công như ngày nay, anh Toàn đã không ngừng học hỏi những “bí kíp” trồng sầu riêng. Từ kỹ thuật trồng, cách chọn giống cây, bón phân, tưới nước, phòng chống sâu, nấm… Theo kinh nghiệm của anh Toàn thì sầu riêng không nên trồng dầy, vì nếu trồng dầy tán cây không phát triển được. Thân và tán không phát triển thì trái sẽ không to, không đều. Lượng nước cho cây sầu phải luôn đầy đủ. Muốn cho cơm ngon cần phải vào phân đúng thời điểm.

Hệ thống nước tưới tự động được chôn sâu dưới lòng đất, đảm bảo lượng nước cho sầu riêng phát triển

Năm nay Bình Phước mưa nhiều, nấm bệnh phytophthora phát triển mạnh gây hư hại cho cây. Nhiều hộ gia đình trồng sầu đã bị loại nấm này tấn công gây nứt cây, xì mủ, khô cành, lở cổ rễ, chết ngọn, thối quả. Để chống nấm, anh Toàn chủ động phun phòng, sau đó đi “dò” từng cây. Phát hiện cây nào bị nấm, anh khoét, đẽo vùng nấm liền, không để vi trùng nấm lây lan trên diện rộng.

“Bình Phước mình năm nay không có mùa khô. Mưa nhiều nên nguy cơ nấm cũng nhiều. Nếu thân cây dính nấm, mình không phát hiện ra thì nấm lan đi rất nhanh. Tới khi lan toàn cây, cây đó coi như phải cưa bỏ. Mà mỗi gốc 5 - 6 năm mới ra trái vì vậy mình phải chủ động, phải chăm sóc và nâng niu nó. Không chỉ với cây, trái sầu riêng khi mới bắt đầu hình thành rất “nhạy cảm” với thời tiết. Gặp mưa nhiều, cây phóng đọt lên cao, nếu không kịp thời “hãm” lại thì sẽ dẫn đến rụng cục bộ do dư đạm”, đó là những chia sẻ về kinh nghiệm chống chọi với thời tiết thất thường năm nay của anh Toàn.

Ngoài tìm tài liệu trên sách báo, tạp chí, anh Toàn còn đi giao lưu nhiều nơi để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng. Dàn tưới nước trên vườn sầu được anh chôn sâu dưới lòng đất. Mỗi gốc sầu riêng có 4 vòi nước xung quanh, khi ghim điện tự động, nước sẽ tưới đều khắp nơi, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn sầu riêng của anh Toàn mùa này trĩu quả. Thương lái từ Tiền Giang, TP.HCM đánh xe tải lên tận vườn để thu mua. Năm nay, sầu riêng Thái rất trúng, trung bình đạt 20 tấn/ha. Trái to đều, nhiều trái gần cả chục ký, thuộc loại “đẹp” nên thương lái rất ưng, gọi đặt hàng từ rất sớm.

Bên cạnh sầu riêng Thái, anh Toàn còn trồng giống sầu riêng Cái Mơn. “Hàng này của Việt Nam mình, nhiều trái nhưng nhỏ hơn. Cơm có màu sữa, thơm ngậy nhưng không để được lâu và giá bán cũng thấp hơn”, anh Toàn cho biết.

Sầu riêng Thái mùa này giá bán trung bình 45 ngàn đồng/kg, sầu Cái Mơn bán giá 20 - 25 ngàn đồng/kg. Cây sầu riêng đã không phụ công người chăm sóc, mùa này gia đình anh Toàn lại "trúng số".


Có thể bạn quan tâm

Chỉ trồng chè thôi, tôi có gần nửa tỷ đồng mỗi năm Chỉ trồng chè thôi, tôi có gần nửa tỷ đồng mỗi năm

Không chỉ trồng thành công 3ha chè giống mới theo quy trình VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, anh Thắng còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương

08/08/2017
Trồng nhãn xuồng cơm vàng thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm Trồng nhãn xuồng cơm vàng thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm

Nhãn xuồng cơm vàng dễ trồng, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc. Hiện vườn nhãn nhà bà Thủy có khoảng 200 gốc cho trái, với năng suất gần 1 tấn/công.

08/08/2017
Trồng 5ha nhãn Hương Chi, thu 20 tấn quả, lãi nửa tỷ đồng/năm Trồng 5ha nhãn Hương Chi, thu 20 tấn quả, lãi nửa tỷ đồng/năm

Ông Tuyển nhận thấy giống nhãn Hương Chi có nhiều ưu điểm lại khá phù hợp với thổ nhưỡng nhà mình. Chỉ sau 3 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, nhãn đã cho thu hoạch

08/08/2017