Giá / Mô hình kinh tế

Vươn Lên Làm Giàu Từ Cây Xoài Cát Hòa Lộc

Vươn Lên Làm Giàu Từ Cây Xoài Cát Hòa Lộc
Tác giả: 
Ngày đăng: 16/06/2012

Gia đình anh Đặng Trường Thành (SN 1949) ngụ xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp từ hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định thông qua mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Nhờ cần cù lao động, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên vườn xoài của gia đình đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Đặng Trường Thành cho biết, năm 1999 anh được cha mẹ cho 5.000 m2 đất vườn tạp có trồng xen kẻ chuối và xoài Ù. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống anh Thành bàn bạc với vợ phá chuối để làm rẫy (trồng hoa màu) theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, đồng thời tiếp tục chăm sóc số xoài Ù để kiếm thêm nguồn thu nhập.

Đến năm 2000, nước lũ dâng cao làm rẫy và xoài bị thiệt hại hoàn toàn, từ đó cuộc sống gia đình vốn khó khăn lại càng khó khăn thêm, có thời điểm anh Thành phải đi mượn tiền của người cùng xóm để mua lưới, mua câu giăng bắt cá bán kiếm sống qua ngày.

Mùa lũ đã trôi qua, anh Thành mạnh dạn cải tạo lại vườn, đào mương, lên liếp đúng theo kỹ thuật làm vườn, tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và học cách ghép cây. Sau đó, anh trồng xoài cát Hòa Lộc để khởi nghiệp, sau 5 năm cây cho trái nhưng giá bán không cao vì mùa thuận, anh tiếp tục nghiên cứu và học hỏi thêm cách xử lý xoài ra hoa vào mùa nghịch. Qua nhiều lần xử lý thất bại, nhưng anh không nản chí, anh học hỏi thêm kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trong và ngoài địa phương rồi tiếp tục xử lý xoài cho trái mùa nghịch thành công, vườn xoài ra hoa đều đặn, cho trái nhiều, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Rút kinh nghiệm trong cách xử lý ra hoa xoài cát Hòa Lộc vào mùa nghịch rất căn bản, anh Thành không lấy đó là “bí quyết” riêng của mình mà anh đã tận tình hướng dẫn cho nhiều hộ dân trồng xoài ở địa phương, góp phần giúp họ tăng thu nhập, đặc biệt là thoát được nghèo.

Khi xử lý xoài ra trái, anh Thành tiến hành bao trái và xử lý thuốc vi sinh để cho sản phẩm đẹp thị trường ưa thích, đồng thời bảo vệ môi trường ở nông thôn được đảm bảo tốt. Ngoài ra, hàng năm anh Thành còn thuê hơn 20 lao động phụ giúp việc cắt nhánh, tỉa cành, xới gốc bón phân, bao trái, thu hoạch.

Anh Thành cho biết thêm, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất xoài cát Hòa Lộc có hiệu quả nên trong 2 năm (2010 - 2011), diện tích xoài của gia đình đã cho tổng thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm. Từ đó, cuộc sống gia đình được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần. Vươn lên từ trong gian khó nên anh Thành thấu hiểu hoàn cảnh của các gia đình khó khăn, vì thế anh luôn giúp đỡ những hộ thiếu vốn, thiếu kiến thức để áp dụng vào sản xuất, thoát cảnh nghèo khó.

Điển hình trong năm 2010 gia đình anh Thành cùng với chính quyền địa phương tham gia hỗ trợ, giúp đỡ 16 hộ nghèo, năm 2011 giúp đỡ 17 hộ nghèo. Nhờ được hỗ trợ và giúp đỡ đúng lúc nên nhiều hộ đã thoát được nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định.

Ngoài việc chăm lo cho gia đình, anh Thành còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội như: vận động người dân tu sửa cầu, đường nông thôn, phát quang cây, bụi rậm che khuất tầm nhìn theo các tuyến đường giao thông nông thôn, tặng quà, sách và tập cho gia đình nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Anh Đặng Trường Thành được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã và cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Để Quả Điều Luôn “Vàng” Trên Đất Bình Phước: Thời Vàng Son Của Điều Để Quả Điều Luôn “Vàng” Trên Đất Bình Phước: Thời Vàng Son Của Điều

Là thủ phủ của điều và một thời được mệnh danh là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào bản địa, nhưng vài năm trở lại đây người dân Bình Phước không còn mặn mà với cây điều. Họ đua nhau chặt điều trồng cao su vì giá rớt liên tục, thu không đủ chi.

16/06/2012
Giá Cá Tra Giống Tại ĐBSCL Tăng Mạnh Trở Lại Giá Cá Tra Giống Tại ĐBSCL Tăng Mạnh Trở Lại

Sau một thời gian dài cá tra giống sụt giảm, thì hiện đã tăng mạnh trở lại từ 2.000-3.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 10.

16/06/2012
Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Hiệu Quả Từ Thức Ăn Công Nghiệp Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Hiệu Quả Từ Thức Ăn Công Nghiệp

Mô hình nuôi cá trắm đen đã được các hộ trong tỉnh Nam Định đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Các hộ nuôi thường cho cá trắm đen, chủ yếu đối với loại cá có trọng lượng trên 1 kg ăn ốc bươu vàng và dắt biển. Cá chỉ ăn ruột ốc, ruột dắt biển, còn lại thải ra môi trường nên lượng vỏ ốc, vỏ dắt biển tồn dư trong ao nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cá chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi cá trắm đen ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những năm qua đều lao đao vì gần như năm nào cá trắm đen cũng bị dịch bệnh.

16/06/2012