Giá / Mô hình kinh tế

Vũng Tàu: Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Theo Tiêu Chuẩn VIETGAP: Hiệu Quả Nhưng Nông Dân Chưa Mặn Mà

Vũng Tàu: Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Theo Tiêu Chuẩn VIETGAP: Hiệu Quả Nhưng Nông Dân Chưa Mặn Mà
Tác giả: 
Ngày đăng: 20/06/2012

Vườn thanh long ruột đỏ trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP của gia đình anh Nguyễn Đình Lưu chuẩn bị cho ra trái vụ mới.

Với mục đích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, thời gian qua Hội nông dân BR-VT đã triển khai trồng thí điểm mô hình thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP cho 5 hộ dân ở ấp Trang Định, xã Bông Trang (Xuyên Mộc). Dự án trồng thí điểm giống thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP tuy đã mang lại hiệu quả, nhưng vẫn chưa phát triển trên diện rộng vì người dân chưa thật mặn mà.

Dự án trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP tại xã Bông Trang được triển khai từ cuối năm 2009, thời hạn 3 năm, trên diện tích 2 ha với sự tham gia của 5 hộ dân, tổng kinh phí của dự án là 500 triệu đồng. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ hơn 30% tổng chi phí và được cung cấp giống, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Qua hơn 2 năm triển khai, mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã cho những kết quả bước đầu tương đối khả quan.

Ông Dương Thế Dũng, cán bộ Hội nông dân xã Bông Trang cho biết, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VIETGAP nên thanh long phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 6,5 tấn/ha. Với giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, người trồng thanh long thu lợi hơn 30 triệu đồng/ha. “Trồng theo phương pháp mới này cây khỏe, phát triển nhanh, ít sâu bệnh, trái to, đồng đều, đẹp, đặc biệt rất ngọt và năng suất cao”, ông Dương Thế Dũng nói.

Gia đình ông Mai Văn Tiết - một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn bỏ giống thanh long cũ trồng thí điểm 400 trụ thanh long ruột đỏ trên 4 sào đất, ông cho biết, mỗi trụ thanh long cho thu hoạch khoảng 12 – 15 trái/vụ, với giá bán cao hơn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với giống thanh long truyền thống, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Theo ông Mai Văn Tiết, trồng thanh long theo tiêu chuẩn VIETGAP sẽ giảm được 20 - 30% chi phí do không dùng thuốc trừ sâu độc hại và giảm được lượng phân bón; sản phẩm cũng an toàn, do người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bón phân và chăm sóc.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đình Lưu mấy năm nay cũng “sống khỏe” nhờ 4 sào thanh long ruột đỏ trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP. “Chỉ có 400 gốc thanh long mà mỗi gia đình tôi thu gần 150 triệu đồng”, anh Nguyễn Đình Lưu cho biết. Theo anh, sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP chi phí có thể giảm đi, nhưng đòi hỏi công phải bỏ ra nhiều hơn, bởi quy trình kỹ thuật chăm sóc hết sức nghiêm ngặt, nếu không tuân thủ đúng thì năng suất và chất lượng trái sẽ rất kém, người trồng sẽ bị thua lỗ.

Bên cạnh những thuận lợi, người trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP ở xã Bông Trang cũng còn gặp nhiều khó khăn. Ông Mai Văn Tiết cho biết, do diện tích trồng thanh long nhỏ nên đến nay cả 5 hộ tham gia trồng thanh long ruột đỏ vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận tiêu chuẩn VIETGAP. Điều này theo tiêu chuẩn VIETGAP bất lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. “Có thời điểm trái chín rộ, giá bán thanh long VIETGAP cũng như giá thanh long thường”, ông Mai Văn Tiết nói. Việc mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP của các hộ nông dân cũng không dễ dàng, bởi vốn đầu tư cao và đòi hỏi kỹ thuật nghiêm ngặt. Mặt khác, đa số người nông dân ở đây không mấy mặn mà với tiêu chuẩn VIETGAP do họ vẫn giữ thói quen trồng thanh long theo kiểu truyền thống, không chú ý tới các việc ghi nhật ký sản xuất, gửi mẫu xét nghiệm đất, phân bón, nước...

Được biết, hiện nay do số lượng hộ tham gia trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP tại xã Bông Trang còn quá ít nên chưa thể thành lập Hợp tác xã mà chỉ mới có Tổ hợp tác, các hộ tham gia phải tự tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình, nên giá cả không ổn định, dễ bị thương lái ép giá.

“Để thu hút được đông đảo của bà con nông dân tham gia mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP, thiết nghĩ ngành nông nghiệp cần tổ chức những buổi hội thảo công bố kết quả sản xuất để bà con thấy rõ hiệu quả từ những mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VIETGAP và tăng cường hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho bà con nông dân”, ông Mai Văn Tiết kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Thu Nhập Gần 31 Triệu Đồng/hộ Ở Đồng Xuân (Phú Yên): Mô Hình Nuôi Heo Rừng Lai Cho Thu Nhập Gần 31 Triệu Đồng/hộ Ở Đồng Xuân (Phú Yên):

Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Xuân (Phú Yên) vừa phối hợp tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi heo rừng lai tại xã Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.

20/06/2012
Tăng Cường Chỉ Đạo Nuôi Tôm Chân Trắng Vụ 2 Năm 2013 Tăng Cường Chỉ Đạo Nuôi Tôm Chân Trắng Vụ 2 Năm 2013

Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có 486ha nuôi tôm chân trắng, tăng 188ha so với năm 2012, hình thành nhiều vùng nuôi tập trung tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Các vùng nuôi cơ bản đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

20/06/2012
Cải Tạo Vườn Cà Phê “Tín Hiệu” Đáng Mừng Ở Lâm Đồng Cải Tạo Vườn Cà Phê “Tín Hiệu” Đáng Mừng Ở Lâm Đồng

Phát biểu tại buổi làm việc với Đảng uỷ và UBND xã Gung Ré (huyện Di Linh - Lâm Đồng) mới đây, TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh đã cải tạo vườn cà phê (ghép chồi hoặc trồng tái canh) bằng các giống cà phê đầu dòng được 18.000 ha. Đây là một “tín hiệu” rất đáng mừng. Bảo Lâm là địa phương đi đầu, có phong trào cải tạo vườn cà phê khá nhất. Di Linh và các địa phương khác cần học kinh nghiệm của Bảo Lâm để từng bước nâng cao hiệu quả canh tác cà phê.

20/06/2012