Giá / Mô hình kinh tế

Vùng Hành Thanh Thủy Khổ Vì Thiếu Cát

Vùng Hành Thanh Thủy Khổ Vì Thiếu Cát
Tác giả: 
Ngày đăng: 19/08/2013

Toàn thôn Thanh Thủy (Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) có 550 hộ dân thì đã có hơn 400 hộ dân theo đuổi nghề trồng hành hàng chục năm nay. Trước hiệu quả kinh tế đem lại, cây hành ngày càng được bà con nông dân “tín nhiệm”. Họ rất muốn mở rộng diện tích trồng hành nhưng lại gặp phải “nút thắt” vì thiếu cát.

Hiệu quả...

Ở vùng đất cát ven biển, trồng loại cây gì cũng khó. Duy chỉ có cây hành, cây tỏi là dễ dàng thích ứng và vươn lên sống khỏe trên triền đất cát. Vì vậy người dân nơi đây từ lâu đã xem cây hành là loại cây trồng chính. Người trồng ít cũng vài sào, trồng nhiều thì thuê thêm đất và nâng diện tích lên 10 - 20 sào. Không chỉ những bậc cao niên gắn bó với nghiệp trồng hành mà những người trẻ trong thôn cũng gửi gắm ước mong làm giàu vào những sào hành nước.

Anh Nguyễn Văn Dự, một trong những người trồng hành trẻ tuổi nhất thôn Thanh Thủy, vừa thu được hơn 150 triệu đồng trong đợt trồng hành năm vừa rồi, chia sẻ: “Trồng hành nước tuy hơi nhọc công nhưng đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây mì, cây bắp. Mỗi năm chỉ cần làm 2 vụ, mỗi vụ kéo dài 50 - 60 ngày, vậy là đủ trang trải cả năm”.

Bình quân một sào hành tiêu tốn khoảng 1 tạ củ hành giống. Chỉ cần cung cấp đủ nước tưới, còn phân bón là nguồn phân chuồng có sẵn, sau 2 tháng, người nông dân có thể thu được sản lượng gấp 10 lần.

Trước lợi nhuận do cây hành mang lại, diện tích trồng hành của thôn Thanh Thủy không ngừng tăng nhanh theo từng năm. Từ vài chục hộ trồng theo kiểu nhỏ lẻ, đến nay thôn Thanh Thủy dường như đã trở thành vùng chuyên canh cây hành với hơn 70% hộ dân trong thôn tham gia.

... Nhưng “bí” cát trồng hành

Nhờ cây hành mà đời sống của bà con nông dân ở Thanh Thủy ngày càng phát triển và khấm khá hơn. Tuy nhiên, việc duy trì và mở rộng quy mô sản xuất của người dân nơi đây lại gặp khó khăn khi không tìm được nguồn cát để phủ ruộng hành.

“Để hành đạt sản lượng cao thì phải thay cát liên tục nhằm đảm bảo độ tơi xốp. Nếu cứ dùng cát cũ, thì sản lượng hành sẽ bị giảm từ 40 - 60%. Tuy nhiên hiện nay, hơn 400 hộ dân trong thôn gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cát biển. Vì bờ biển Bình Hải bị ảnh hưởng của triều cường, lại thường xuyên bị sạt lở, nên không thể khai thác cát”, ông Nguyễn Văn Trí - Trưởng thôn Thanh Thủy cho hay.

Vừa tranh thủ phủ lớp cát mới cho ruộng hành, chị Huỳnh Thị Bảy vừa phân trần: “Một sào hành thì cần 6 xe cát. Nhưng nhà tôi chỉ lấy được 2 xe cát. Thế nên giờ đành dè sẻn mà dàn lớp cát mỏng hơn mọi năm, dù biết làm thế thì sản lượng sẽ giảm đi một nửa”.

Để lấy được cát, hơn 400 hộ trồng hành đành phải gắng gượng “xếp hàng” chờ đến lượt dù mỗi năm chỉ được giới hạn 8 – 10 m3 cát - lượng cát không đủ để phủ một sào hành. Dù đã không ngừng nỗ lực vượt khó, nhưng hơn 75ha hành ở Thanh Thủy đang phải đối mặt với khó khăn khi người trồng hành dù có tiền, cũng khó mua được cát.


Có thể bạn quan tâm

Khóm Hà Thủ Ô Đỏ Trọng Lượng “Khổng Lồ” Ở Bắc Kạn Khóm Hà Thủ Ô Đỏ Trọng Lượng “Khổng Lồ” Ở Bắc Kạn

Chiều ngày 16/4, ông Nguyễn Văn Cư, một thầy thuốc đông y ở thôn Khuổi Thiêu, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã đào được khóm hà thủ ô đỏ trọng lượng nặng tới 96 kg, trong đó củ lớn nhất nặng 36 kg, một củ nặng 17 kg và gần 10 củ khác mỗi củ nặng từ 2-5 kg. Bản thân ông Cư và gia đình đều bất ngờ về trọng lượng của khóm hà thủ ô vừa đào được.

19/08/2013
Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm

Huyện Sơn Dương hiện có 18.713 con trâu, 5.803 con bò, 134.364 con lợn, trên 1 triệu con gia cầm và 819 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản....

19/08/2013
VietGAP Cho Sầu Riêng VietGAP Cho Sầu Riêng

Từ khi triển khai chương trình VietGAP, nhiều nông dân ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã ý thức xây dựng những vườn sầu riêng với năng suất và chất lượng cao.

19/08/2013