Giá / Mô hình kinh tế

Vui Mùa Thanh Trà

Vui Mùa Thanh Trà
Tác giả: 
Ngày đăng: 07/08/2013

Đến hẹn lại lên, cuối hạ, dọc theo tuyến đường ĐT616 đoạn qua xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) lại thấy một màu xanh vàng đẹp mắt của những trái thanh trà, đặc sản vùng quê Trà Khân…

Khá lên từ thanh trà

Thanh trà Trà Khân là đặc sản của vùng đất Tiên Hiệp, nổi tiếng bởi có hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được ở vị ngọt thanh đậm đà. Hiện loại cây này đang tập trung nhiều nhất ở thôn Trà Khân, thôn 1, thôn 3, thôn 4… (xã Tiên Hiệp). Theo các chủ vườn thanh trà, năm nay do thời tiết nóng nắng nên thanh trà mất mùa so với năm trước. Nhưng bù lại giá bán có phần cao hơn. Tùy theo trái to, nhỏ mà bán với mức giá khác nhau.

Cụ thể một cây thanh trà khoảng 300 - 400 trái đều nhưng nhỏ thì người dân bán đứng tại vườn cho các tiểu thương từ 1,5 – 2 triệu đồng/cây. Nếu là trái to, đẹp thì giá cao hơn, từ 2,5 - 3 triệu đồng/cây. Với mức giá đó, hơn 200 gốc thanh trà lớn nhỏ của nhà ông Cao Văn Thanh (thôn 4) chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng tiền phân bón và một lần phun thuốc để tránh sâu đục thân, mỗi vụ cho thu nhập gần 50 triệu đồng.

Còn ông Đoàn Văn An (thôn 3) có 50 gốc cây thanh trà đang ra trái, cho biết: “Ba năm trở lại đây, nhờ có cây thanh trà mà thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể. Mùa thanh trà năm ngoái gia đình tôi thu được 24 triệu đồng. năm nay số lượng cây có trái nhiều hơn, giá cũng cao. Gia đình tôi không bán tại vườn nhà mà đem ra dọc đường bán nên chắc chắn sẽ cho thu nhập cao hơn. Nhiều người ở đây có cuộc sống khá, thậm chí giàu lên là nhờ thanh trà”.

Đúng như lời ông An, đi dạo một vòng quanh xã, thấy nhiều nhà ngói khang trang mọc lên, xung quanh nhà là những cây thanh trà trĩu quả. Không chỉ ông Thanh, ông An, nhờ cây thanh trà mà nhiều gia đình trong xã đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, mua sắm ti vi, xe máy, các vật dụng trong gia đình…

Năm nay, tuyến đường ĐT 616 được nâng cấp nên ngoài những tiểu thương buôn bán lâu năm, nhiều chủ vườn trồng thanh trà cũng đem “quả nhà lá vườn” ra bán, thu hút nhiều du khách gần xa. Trung bình, giá bán 1kg thanh trà ở dọc đường từ 15 - 20 nghìn đồng.

Chị Nguyễn Thị Sanh, một người bán thanh trà lâu năm, cho biết: “Trái thanh trà thu hút nhiều người ở xa tới, có người lần đầu thấy rất thích thú, họ bảo gọt thử cho họ ăn, ăn xong thấy ngon, lạ nên mua về làm quà; còn những người đã biết hương vị thì cũng rất chuộng, cứ đến mùa thanh trà là tới mua về dùng. Một ngày tôi bán được từ 100 - 200kg thanh trà là chuyện bình thường, nhất là những khách đi xe con mỗi lần dừng lại luôn mua với số lượng lớn”.

Chị Sanh cũng cho biết, ngoài việc mua về bán lẻ dọc đường, chị còn bán sỉ cho các tiểu thương trong tỉnh và TP.Đà Nẵng. Vì thế, đến mùa thanh trà là cả gia đình chị trở nên tất bật hơn. Chị nói thêm: “Tôi phải đi “săn” tại các vườn trong và ngoài xã từ lúc thanh trà chưa chín, đặt cọc họ trước thì mới đủ lượng thanh trà để cung ứng cho các bạn hàng”.

Nhân rộng

Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nay cây thanh trà không chỉ có nhiều ở xã Tiên Hiệp mà còn được nhân rộng ra các xã khác như Tiên Cảnh, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh… Theo ông Cao Văn Thanh, trồng thanh trà không khó, với kỹ thuật hiện nay, chỉ cần dùng nhánh chiết trồng từ 3 - 4 năm thì cây cho ra trái. Từ khi cây trổ bông đến khi thu hoạch là 3 tháng.

Cây càng lâu năm càng sai trái. Tuy nhiên, trồng thanh trà cũng có năm được năm mất. lúc cây ra trái non mà gặp thời tiết độc hoặc bị sâu mà không chữa kịp thời thì trái sẽ rụng hết. Song, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật được tập huấn ở xã, huyện nên năm nay cơ bản đã tránh được tình trạng trên. Duy chỉ còn tình trạng trái gần chín bị rụng, vì thế ông Thanh đang tiếp tục học hỏi kỹ thuật để khắc phục.

Ông Võ Đình Khôi - Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp cho biết: “Toàn xã hiện có trên 7.000 cây thanh trà đang cho trái, tập trung ở thôn 1, thôn 3, thôn 4… Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ thanh trà cùng với sự hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật theo chính sách của huyện, nhiều người dân đã mạnh dạn mua giống về trồng và vươn lên thoát nghèo. Nhà vườn còn chiết cành, nhân giống bán cây con, giá 30 - 35 nghìn đồng/cây”.

Cũng theo ông Khôi, nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cho cây thanh trà Trà Khân, sắp tới xã sẽ tiến hành thành lập tổ hợp tác thanh trà. Tổ hợp tác này tập hợp những hộ trồng thanh trà từ 20 cây trở lên để cùng nhau chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhau trong phòng chống sâu bệnh và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Không những thế, phát triển cây thanh trà gắn với phát triển du lịch miệt vườn sẽ là mục tiêu mà chính quyền huyện, xã đang hướng đến.


Có thể bạn quan tâm

Từ Tổ Đội Đến Nghiệp Đoàn Nghề Cá Từ Tổ Đội Đến Nghiệp Đoàn Nghề Cá

Mấy năm gần đây, cụm từ “tổ đội đánh bắt” được bổ sung vào “từ điển” của ngành hải sản. Nó như “cú hích” cho ngành hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển trong thời khốn khó và đầy bất trắc. Những tổ đội này ban đầu được thành lập ở Đà Nẵng rồi nhân ra Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đến nay nhiều địa phương miền Trung áp dụng như một điển hình trong hoạt động đánh bắt xa bờ.

07/08/2013
Cần Cảnh Giác Với “Tôm Sạch Bệnh” Cần Cảnh Giác Với “Tôm Sạch Bệnh”

Con giống sạch bệnh được người nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau hướng đến, nhất là ở mô hình nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi tôm còn chủ quan đối với con giống có thương hiệu sạch bệnh, đã qua kiểm dịch nên dịch bệnh vẫn xảy ra

07/08/2013
Khống Chế Sâu Bệnh Hại Vải Thiều Khống Chế Sâu Bệnh Hại Vải Thiều

Do thời tiết âm u kéo dài, nên sâu bệnh đã “tấn công” những vườn vải thiều đang ra hoa ở Hải Dương.

07/08/2013