Giá / Mô hình kinh tế

Vụ Lúa Hè Thu 2012: Đề Xuất Tạm Trữ Vì Khó Tiêu Thụ

Vụ Lúa Hè Thu 2012: Đề Xuất Tạm Trữ Vì Khó Tiêu Thụ
Tác giả: 
Ngày đăng: 22/06/2012

Nông dân ĐBSCL đang bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2012. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, tình hình tiêu thụ lúa đang rất khó khăn, giá giảm mạnh.

Lúa chất đống ở lò sấy

Ông Trần Thanh Bình (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch 3 công lúa IR 50404 với năng suất 6,6 tấn/ha. Tuy nhiên, khi gọi thương lái đến thu mua tại ruộng thì chỉ được giá 3.600 – 3.700 đồng/kg, thấp hơn từ 1.500 – 1.800 đồng/kg so với lúa vụ đông xuân.

Ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cũng phản ánh, giá lúa hè thu đang xuống khá thấp, chỉ được 3.400 – 3.500 đồng/kg đối với lúa tươi IR 50404, lúa khô là 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo công bố của Bộ Tài chính thì giá thành lúa hè thu năm nay đến 3.993 đồng/kg.

“Như vậy, nông dân đang bán dưới hoặc bằng với giá thành và không lãi 30% như yêu cầu Chính phủ đặt ra. Không những thế, bán còn không có ai mua, lúa chất đầy ở các lò sấy. Nông dân đang không có tiền trả nợ vật tư ” – ông Đời khẳng định.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ lúa hè thu 2012 tổ chức ngày hôm qua (21.6) tại TP.HCM, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định tình hình tiêu thụ gạo trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với gạo Ấn Độ, Myanmar… có giá rẻ hơn. Trong khi đó, lúa hè thu đầu vụ có chất lượng gạo khá xấu do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh nên giá giảm.

“Giá lúa có thể sẽ còn giảm tiếp khi vào thời điểm thu hoạch rộ giữa tháng 7 và tháng 8 nếu chúng ta không nhanh chóng có những giải pháp tiêu thụ tích cực” – ông Bảy lo lắng.

Tổng sản lượng vụ lúa hè thu năm nay, theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) là gần 9 triệu tấn lúa, tương đương 4,5 triệu tấn gạo. Sau khi cân đối lượng gạo tiêu thụ trong nước, để lại làm giống và thức ăn gia súc, lượng gạo hàng hóa còn khoảng 3 triệu tấn, trong đó khoảng 1 triệu tấn là gạo phẩm cấp thấp IR 50404.

“Những năm trước, thị trường tiêu thụ gạo cấp thấp của Việt Nam chủ yếu là châu Phi, nhưng năm nay thị trường này đã rơi hoàn toàn vào tay Ấn Độ. Do đó, gạo cấp thấp Việt Nam rất khó bán và đây sẽ là áp lực lớn cho việc xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm” – ông Bảy nói.

Đề xuất tiếp tục thu mua tạm trữ

Để giải quyết tình trạng nông dân sản xuất một đàng trong khi nhu cầu xuất khẩu lại thứ khác, đại diện các sở, ban, ngành cho rằng, trước mỗi mùa vụ, VFA nên đưa ra nhận định, dự báo tình hình thị trường tiêu thụ gạo thế giới. Cụ thể, nông dân nên trồng những giống lúa nào để có thể bán được, tránh tình trạng rớt giá như vụ hè thu năm nay.

Tuy nhiên, đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, để cải thiện tình hình thu mua lúa vụ hè thu trong thời gian tới và giúp đẩy giá lên, ông Đời cho rằng Chính phủ nên tiếp tục có chính sách thu mua tạm trữ. Qua đó, đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân để họ có thể yên tâm xuống giống vụ thu đông sắp tới.

Không khuyến khích tăng diện tích lúa thu đông

Cục Trồng trọt cho biết, diện tích lúa thu đông năm nay, các địa phương đăng ký khoảng 685.000ha, tăng 85.000ha so với năm 2011. Tuy nhiên, trước tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn như hiện nay, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương không nên tăng diện tích lúa thu đông mà giữ nguyên mức như năm ngoái.

“Chúng ta có nên chuyển gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đó trực tiếp đến nông dân? Khi đó nông dân có thể mượn kho của doanh nghiệp để tạm trữ lúa của mình. Các chi phí lưu kho, chi phí bảo quản, Nhà nước sẽ hỗ trợ” - ông Đỗ Văn Nam - Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đề xuất.

Thế nhưng hiện nay cơ sở vật chất, phương tiện phơi sấy, kỹ thuật bảo quản… trong nông dân chưa đảm bảo nên ý tưởng này theo các chuyên gia chưa thể thực hiện trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa, tổng công suất các kho chứa của ĐBSCL hiện khoảng 3,6 triệu tấn nhưng chỉ 20% trong số đó dành để chứa lúa, phần còn lại chủ yếu là kho chứa gạo.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định rằng thu mua tạm trữ lúa gạo là yêu cầu bức thiết trong thời gian tới. “Sau cuộc họp này, Cục sẽ cùng bàn thảo với Bộ Công Thương để có công văn trình Chính phủ đề xuất chương trình thu mua tạm trữ lúa hè thu với sản lượng 2 triệu tấn lúa, tương đương 1 triệu tấn gạo” – ông Ngọc khẳng định. Thời gian thu mua tạm trữ, Cục Trồng trọt dự kiến sẽ bắt đầu từ giữa tháng 7 đến hết tháng 8 hoặc giữa tháng 9.2012. Việc tạm trữ sẽ giao cho VFA tổ chức thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Nuôi Bò Vỗ Béo Cho Thu Nhập Cao Nuôi Bò Vỗ Béo Cho Thu Nhập Cao

Thời gian gần đây, nghề nuôi bò vỗ béo đã phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân.

22/06/2012
Trồng Bí Cao Sản Đài Loan Cho Thu Nhập Cao Trồng Bí Cao Sản Đài Loan Cho Thu Nhập Cao

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng cấy lúa hay bị thiếu nước, năng suất bấp bênh sang trồng bí cao sản Đài Loan, anh Hoàng Văn Dũng ở thôn Hà Am, xã Cao Xá (Tân Yên - Bắc Giang) có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ.

22/06/2012
Người Mở Đường Cho Trái Chôm Chôm Xuất Khẩu Người Mở Đường Cho Trái Chôm Chôm Xuất Khẩu

Đến nay, tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú (xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre) đã có khoảng 60 container chôm chôm “bay” ra thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Cũng từ tổ hợp tác này, lần đầu tiên trái chôm chôm của Bến Tre đã tự hào bay xa và hội nhập. Anh Nguyễn Hữu Tâm là người đã ghi công đầu trong việc mở đường cho mặt hàng này xuất khẩu.

22/06/2012