Vị Đắng ... Chôm Chôm
Hơn nửa tháng nay, nhiều nhà vườn ở các xã Tân Phú, Tiên Thủy, Tiên Long (Châu Thành) và Phú Phụng, Vĩnh Bình, Vĩnh Thành, Sơn Định (Chợ Lách)… vào vụ thu hoạch chôm chôm. Chôm chôm trúng mùa, nhưng mang nhiều vị “đắng”…
Giá thấp vẫn không bán được
Ông Nguyễn Quang Trường, thành viên của Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách vừa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, trăn trở: “Chôm chôm đã chín đỏ cả cây nhưng mỗi ngày chỉ hái số lượng ít và kết thúc trong buổi sáng để bán cho thương lái. Qua 3 ngày thu hoạch, thương lái chỉ mua 2 tấn, với giá 2.000 đồng/kg”. Ông Trường phải huy động các thành viên trong gia đình thu hoạch chôm chôm để giảm chi phí thuê công lao động. Theo ông Trường, chôm chôm trên cây chín màu vàng vừa ngả sang đỏ phải thu hoạch, nếu neo lại trên cây càng lâu thì chất lượng và mẫu mã càng giảm, rất khó tiêu thụ. Với 2.611m2 đất trồng chôm chôm Java của ông Trường, vụ này thu hoạch khoảng 8 tấn, cao hơn những lần thu hoạch trước, nhưng tìm đỏ mắt vẫn không thấy thương lái đến mua. Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ở ấp Phụng Đức B có 36 thành viên, tổng diện tích đất trồng chôm chôm Java được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP 26ha. Phần lớn, các thành viên trong tổ đều xử lý cây cho trái thu hoạch vào tháng 11 - 2011. Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu tiêu thụ sản phẩm, nhưng tuyển chọn trái đạt kích cỡ và mẫu mã đẹp, nên một số thành viên tổ hợp tác không đồng ý bán. Và chôm chôm chăm sóc nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Global GAP phải bán cho thương lái như với chôm chôm sản xuất truyền thống.
Theo các nhà vườn ở xã Phú Phụng, ngay thời điểm thu hoạch, thương lái chỉ thu mua giá 2.500- 3.200 đồng/kg chôm chôm Java và 6.700 đồng/kg chôm chôm đường. Trong khi vụ chôm chôm năm 2010, cũng thời điểm này, sản lượng có thấp hơn, nhưng giá bán 17.000 đồng/kg chôm chôm đường và 9.500 đồng/kg chôm chôm Java. Với giá bán hiện tại, tiền thuê lao động thu hoạch đã 20.000 đồng/giờ, phân NPK từ 680.000 đồng/bao đã tăng lên 850.000 đồng/bao, tiền mua thuốc phun xịt, chi phí vận chuyển... xem như nhà vườn bị trắng tay.
Ông Trần Hữu Nhặn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, cho biết: Toàn xã có 400ha đất trồng chôm chôm, hiện có 200ha đang thu hoạch. Với giá bán hiện tại, hầu hết người trồng chôm chôm đều thua lỗ. Còn ông Võ Hoàng Bá, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho rằng, toàn xã có 1.580ha đất trồng chôm chôm, trong đó 500ha đang cho thu hoạch. Nhà vườn chấp nhận bán giá 2.000 đồng/kg nhưng thương lái thu mua không hết sản lượng. Hiện rất nhiều vườn vẫn chưa bán được trái, nếu kéo dài một vài ngày nữa thì nhà vườn phải tự hái bỏ để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Theo ông Bá, chôm chôm nằm ở giá 10.000 đồng/kg nhà vườn mới có lãi.
Nhà vườn chịu thiệt
Chủ vựa thu mua trái cây Tư Não, ở xã Phú Phụng cho biết, mỗi ngày thu mua hơn 10 tấn trái chôm chôm của nhà vườn chuyển sang Cao Lãnh phân phối cho các mối tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù chôm chôm giá thấp, nhưng vận chuyển đến các địa phương bán lẻ, chủ vựa gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, cho biết: “Những ngày qua nhà vườn trong và ngoài tỉnh Bến Tre đồng loạt thu hoạch chôm chôm, với sản lượng lớn. Trung bình mỗi ngày công ty và các thương lái khác trên địa bàn tỉnh xuất sang Trung Quốc 100 tấn chôm chôm, nhưng vẫn không thu gom hết cho nhà vườn”. Theo bà Thu, tình hình xuất khẩu trái cây sang các thị trường quen thuộc đang gặp khó khăn. Do năm nay, Thái Lan thu hoạch nhãn và chôm chôm kéo dài; Trung Quốc- thị trường tiêu thụ trái cây lớn của Việt Nam có một số thay đổi về chính sách nhập khẩu. Trước đây, thương lái Trung Quốc thu mua trái cây và sử dụng thuốc bảo quản để vận chuyển đến các vùng xa xôi trong lãnh thổ tiêu thụ. Còn hiện tại, thương lái phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc bảo quản, phạm vi tiêu thụ ở cự ly gần, phải giảm số lượng thu mua.
Còn đối với Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu, khẳng định: “Công ty đã thực hiện đúng tinh thần hợp đồng với nhà vườn, chỉ cam kết thu mua giá cao hơn những nhà vườn không sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP từ 15 - 20% (thực tế đã thu mua giá cao hơn 30%), chứ không cam kết bao tiêu sản phẩm”. Theo bà Thu, thông thường từ tháng 9 âm lịch, thị trường châu Âu mới có nhu cầu nhập chôm chôm. Nhưng thời điểm này, công ty đến thu mua, trái chôm chôm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ khoảng 30% sản lượng đạt tiêu chuẩn về kích cỡ (28 trái/kg) và mẫu mã. Và nhiều nhà vườn cho rằng, nếu bán cho công ty thì 70% sản lượng còn lại không tiêu thụ được, nên đã chấp nhận bán xô cho các thương lái.
Hiện một vài doanh nghiệp xuất khẩu chôm chôm sang thị trường châu Âu, nhưng phải thông qua trung gian và phải phụ thuộc vào các công ty xuất khẩu trực tiếp. Trong khi đó, mỗi thị trường lại đưa ra tiêu chuẩn riêng, việc xác định thị trường để tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong xu thế hội nhập, nhà vườn luôn thua thiệt vì không nắm đầy đủ các thông tin tư thị trường: giá cả, nhu cầu, chính sách nhập khẩu... Họ rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng và sự cộng đồng trách nhiệm từ phía doanh nghiệp. Có thế, nhà vườn mới tự tin gắn bó với cây trồng, làm giàu trên mảnh vườn của mình
Có thể bạn quan tâm
Trong mấy năm gần đây phương pháp trồng mía xen đậu tương hoặc lạc có che phủ nilon tự hủy của Trường ĐHNN1 Hà Nội đã được bà con nông dân áp dụng rộng rãi tại nhiều vùng trồng mía nguyên liệu vụ xuân ở các tỉnh phía Bắc như Thanh Hoá, Hoà Bình, Tuyên Quang v.v...cho hiệu quả cao.
Sau một thời gian dài đối mặt triền miên với dịch bệnh, hàng loạt đầm tôm công nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bỏ trống. Thế nhưng, những tháng gần đây nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho nông dân mà còn cho nền kinh tế của huyện.
Những ngày qua, nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến chùa Phước Thạnh - Cây Dương (ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng - Tây Ninh) để chiêm ngưỡng bụi củ mì khổng lồ nặng trên 90kg, trong đó củ to nhất có chiều dài khoảng 1m, nặng gần 12kg.