Vật tư nông nghiệp giảm giá, nhà nông 'dễ thở'
Nông dân ĐBSCL đang bước vào chính vụ gieo sạ lúa TĐ 2017, nhu cầu vật tư nông nghiệp (VTNN) tăng mạnh. Nhưng điều đáng mừng là bước vào vụ mà giá các loại phân bón, thuốc BVTV đang có xu hướng giảm.
Vật tư nông nghiệp giảm giá ngay đầu vụ giúp nhà nông giảm chi phí sản xuất
Nông dân các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đang chuẩn bị xuống giống vụ lúa TĐ năm 2017 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Hiện nay, khâu vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống hầu như đã hoàn tất. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến khá phức tạp, người dân và ngành chức năng dự báo vụ lúa này sẽ gặp không ít khó khăn. Để chuẩn bị cho mùa vụ, khâu chọn giống và phân bón, thuốc BVTV rất quan trọng, quyết định lớn đến thắng lợi.
Đang tháo nước chuẩn bị vào sạ, ông Trần Văn Sơn ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò cho biết: “Gia đình canh tác 6 công lúa, vừa thu hoạch xong vụ lúa HT hơn chục ngày, hiện gia đình đang cải tạo đất để xuống giống vụ lúa TĐ tiếp theo. Thật sự vụ lúa vừa rồi năng suất không cao, mỗi công lãi khoảng 800 ngàn đồng, nên kỳ vọng vụ lúa TĐ này năng suất cao, bán lúa có lãi". Theo ông Sơn, trước khi bước vào vụ, giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV đang giảm 5 - 7% so với tháng trước, một phần làm giảm áp lực đầu vào của SX lúa.
Tương tự, tại Kiên Giang nông dân cũng đang bắt tay SX lúa TĐ với tổng diện tích gieo sạ theo kế hoạch của ngành nông nghiệp là 90.000ha. Một số huyện như Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành…, nông dân đã xuống giống được hàng chục ngàn ha.
Ông Ngô Văn Thiện ở ấp kênh 4B, xã Tân An (Tân Hiệp) cho biết, hiện lúa TĐ trong ấp đã gieo sạ được gần 40 ngày, đang là cao điểm bón phân chăm sóc cũng như phòng ngừa dịch hại. Điều đáng mừng là giá các loại vật tư đã giảm khá nhiều, có loại giảm tới 10 - 15% nên nông dân tiết kiệm chi phí. Với gần 3ha lúa, chi phí vật tư vụ này gia đình ông cũng bớt được 5 - 6 triệu đồng.
Tại nhiều cửa hàng VTNN trên địa bàn các tỉnh, TP.Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang, giá nhiều loại phân bón đang có chiều hướng giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, phân đạm Cà Mau giá một tháng trước khoảng 310.000 đồng/bao nay giảm xuống còn 300.000 đồng/bao; đạm Phú Mỹ từ 320.000 đồng/bao giảm còn 305.000 đồng/bao.
Ngoài ra, DAP xanh (Trung Quốc) giá 500.000 đồng/bao nay giảm xuống còn 495.000 đồng/bao; các loại phân Kali (Israel) giá dao động từ 390.000 giảm còn 380.00 đồng/bao. Giá phân NPK cũng giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/bao so với trước đây... Với mức giá này thì nông dân cũng tương đối “dễ thở”. Vì phân bón và thuốc BVTV là 2 mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản xuất lúa.
Vật tư nông nghiệp giảm giá ngay đầu vụ giúp nhà nông giảm chi phí sản xuất
Bên cạnh việc phân bón giảm giá, các loại thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp thời điểm hiện tại đang giảm nhẹ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chai. Nguyên nhân do nguồn nhập khẩu nguyên liệu để SX thuốc trừ sâu rất phong phú, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt về giá cả giữa các thương hiệu trong và ngoài nước. Từ đó, kéo giá thành SX các nông dược xuống thấp, nông dân được nhờ.
Ông Nguyễn Minh Trí, GĐ kinh doanh khu vực phụ trách Nam sông Hậu (Cty Sitto Việt Nam) cho biết: Thông thường trước khi bước vào đầu vụ lúa thị trường VTNN đều tăng giá, nhưng năm nay thị trường VTNN đầu vào như phân bón, thuốc BVTV lại giảm giá mạnh. Chính vì vậy hai tuần nay các đại lý VTNN cấp 1 và 2 ở các tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ… điện thoại liên tục đến Cty để đặt hàng, chủ yếu là nhóm sản phẩm tiết kiệm như đạm Ure N46TE, Zoorea F1 và NPK…
Vì vậy xe tải của Cty giao phân bón dường như chạy liên tục tranh thủ giao kịp hàng đến hệ thống phân phối để nông dân có hàng sử dụng. Thông thường, bình quân vụ TĐ hàng năm Cty cung cấp khoảng trên 1.000 tấn phân các loại cho vùng Nam sông Hậu.
Theo ông Trí, năm nay thị trường VTNN giảm giá một phần do giá nông sản hiện nông dân bán ra giá thấp, năng suất lại không cao, để tiết kiệm chi phí nông dân chuyển sang sử dụng các mặt hàng phân bón mới giá rẻ hơn. Chính vì vậy các mặt hàng có thương hiệu trên thị trường cũng giảm giá theo.
Theo các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, nguyên nhân giá VTNN hiện nay giảm, cụ thể như mặt hàng phân bón là do nguồn nhập khẩu tăng, trong khi nguồn cung trong nước vẫn ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 2,34 triệu tấn phân bón các loại, ước đạt 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng nhưng chỉ tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu vẫn từ Trung Quốc, chiếm 36,3% về giá trị mặt hàng này. Do nhập khẩu phân bón tăng về khối lượng nhưng lại giảm về giá trị nên kéo giá bán lẻ trong nước cũng giảm theo.
Có thể bạn quan tâm
Ở thị trường trong nước, thức ăn dạng viên, sấy… từ phụ phẩm nông nghiệp, phù hợp cho các gia súc như bò, heo nái, heo thịt…, những khi cần bổ sung chất xơ
Mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm của Cty TNHH Hoàng Mai NMC đã mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa.