Giá / Mô hình kinh tế

Vẫn Sử Dụng Phác Đồ Điều Trị Bệnh Sữa Trên Tôm Hùm Cũ

Vẫn Sử Dụng Phác Đồ Điều Trị Bệnh Sữa Trên Tôm Hùm Cũ
Tác giả: 
Ngày đăng: 30/06/2012

Chiều 27.6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo công bố phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm do vi khuẩn riskettsia - like gây ra tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Từ cuối tháng 2.2012, bệnh sữa bùng phát trở lại ở các vùng nuôi tôm hùm của 3 tỉnh: Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho người nuôi tôm. Chính vì thế, Bộ NN-PTNT đã thành lập tổ công tác nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh sữa.

Theo tổ công tác, tác nhân gây ra bệnh sữa trên tôm vẫn là vi khuẩn riskettsia - like, từng gây ra dịch bệnh năm 2008 gây thiệt hại hơn 160 tỉ đồng ở các tỉnh miền Trung.

Tổ công tác này đã chọn thử nghiệm 3 phác đồ điều trị từ ngày 18.5 - 10.6.2012 tại 5 hộ nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh, Khánh Hòa và phường Xuân Đài, TX Sông Cầu, Phú Yên.

Qua thử nghiệm thực tế, phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm bằng sử dụng chất oxytetracyline 20% dạng tiêm pha với tỉ lệ 1 phần thuốc với 9 phần nước cất, rồi tiêm trực tiếp (liệu lượng 0,1 ml/100 g tôm hùm) vào tôm hùm nhiễm bệnh và bổ sung chất dinh dưỡng, men tiêu hóa; sau 20 ngày tiêm, lấy mẫu tôm bệnh đã tiêm kháng sinh đi xét nghiệm thì cho ra kết quả âm tính. Tôm không còn biểu hiện lâm sàng của bệnh sữa.

Phác đồ điều trị bằng cách tiêm kháng sinh oxytetracyline đã được Bộ NN-PTNT ban hành từ năm 2008. Vì sao đã có phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm từ năm 2008, nhưng vẫn xảy ra dịch bệnh?

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hữu Dũng (Đại học Nha Trang) - thành viên trong tổ nghiên cứu, giải thích: “Phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm năm 2008 vẫn còn hiệu quả. Nhưng khi xảy ra dịch bệnh, người dân lại ngại sử dụng phác đồ này do sợ các vết tiêm để lại trên tôm và e ngại hiệu quả của nó. Qua đợt thử nghiệm này, người dân đã nhìn thấy hiệu quả thiết thực của phác đồ này, chỉ sau 2 - 3 lột xác vết tiêm đã biến mất hoàn toàn”.

Trước việc sử dụng kháng sinh tiêm trực tiếp vào tôm hùm để điều trị bệnh, ông Nguyễn Tri Phương - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên lo lắng: “Sau khi tiêm, lượng kháng sinh có tồn dư trong tôm thương phẩm hay không? Từng giai đoạn tôm hùm trưởng thành, việc áp dụng phác đồ này có phù hợp không?”. TS Nguyễn Hữu Dũng, khẳng định: “Hiện nay, trên thị trường có loại kháng sinh oxytetracyline dễ đào thải ra khỏi cơ thể tôm hùm chỉ sau 1 tuần tiêm vào. 

Nếu xuất bán sau khoảng thời gian này thì không có kháng sinh tồn dư trong tôm hùm thương phẩm. Phác đồ điều trị này được áp dụng cho cả tôm nhỏ bằng ngón tay. Giá loại kháng sinh này chỉ 25.000 đồng/chai nhưng tiêm được 1 tấn tôm”.

Tuy nhiên, TS Võ Văn Nha (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3) lo ngại: “Vi khuẩn riskettsia - like phát hiện năm 2007 tại vùng nuôi tôm Khánh Hòa và Phú Yên với vi khuẩn riskettsia - like hiện nay chỉ giống nhau về hình thể, còn cấu trúc gen có khác nhau không? Tôi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, kiểm tra cấu trúc gen của nó”.

Ngoài phác đồ điều trị bằng cách tiêm oxytetracyline 20% trực tiếp vào tôm hùm nhiễm bệnh, còn có phác đồ điều trị bằng sử dụng doxycyclin 10% trộn vào thức ăn 7 g/7 kg thức ăn trong 7 ngày, kết hợp với chất dinh dưỡng cho tôm và hóa chất chlorine dioxide khử trùng, tiêu độc. Theo khuyến cáo các nhà khoa học, phác đồ điều trị dùng kháng sinh trộn thức ăn nên sử dụng trong việc phòng dịch là chính.

Có thể bạn quan tâm

Hành Tím Tăng Giá Ở Sóc Trăng Hành Tím Tăng Giá Ở Sóc Trăng

Sau một thời gian tuột dốc, gần đây hành tím đã tăng giá trở lại, nông dân trồng hành đang mong có vụ mùa bội thu. Tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nơi có diện tích trồng hành tím lớn nhất ĐBSCL, giá hành tím thương phẩm thương lái thu mua đang ở mức 15.000 đồng/kg

30/06/2012
Bí Quyết Trống Mía To, Đẹp Của Ông Tân Ở Hòa Bình Bí Quyết Trống Mía To, Đẹp Của Ông Tân Ở Hòa Bình

Tuy không phải là “đại gia” về nhiều đất, nhiều mía nhưng thương lái buôn mía ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đều biết đến tiếng ông Lê Thanh Tân ở khu 7. Tiếng của ông không phải đất rộng, nhiều mía mà là lúc nào vườn mía của ông đứng đầu bởi cây mía to, đều, màu đẹp.

30/06/2012
Luân Canh Bắp Lai Trên Ruộng Lúa Đạt Hiệu Quả Cao Luân Canh Bắp Lai Trên Ruộng Lúa Đạt Hiệu Quả Cao

Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.

30/06/2012